TP HCM: Sau 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, số ca nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm
Xu hướng ca nhiễm trong cộng đồng giảm
Tại cuộc họp chiều ngày 15/7, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT&TT, cho biết từ ngày 9/7 đến nay, TP HCM báo cáo 9.737 ca nhiễm mới, trong đó có 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng và 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa.
Qua biểu đồ COVID-19 của TP HCM có thể thấy, số ca bệnh mới trong khu vực cách ly cũng như phong tỏa tăng từng ngày, song số ca bệnh phát hiện ở cộng đồng và tại các bệnh viện có xu hướng giảm. Số ca nhiễm phát sinh trung bình trong cộng đồng ở TP HCM hiện là 299 ca/ngày.
Đáng chú ý, trong 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, người dân có thể thông qua dữ liệu trên bản đồ COVID-19 để nhận biết những địa bàn có nguy cơ cao và các khu vực an toàn.
Hiện tại, huyện Bình Chánh có số ca nhiễm phát sinh nhiều nhất, sau đó là quận Bình Tân, Quận 8, TP Thủ Đức… Địa bàn phát sinh ca nhiễm thấp nhất là huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi.
Các phường có ca dương tính phát sinh nhiều nhất là phường 13, quận 10 (43 ca), phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (41 ca), phường 7, quận 8 (41 ca), phường An Lạc, quận Bình Tân (40 ca), phường Tân Tạo, quận Bình Tân (40 ca), Báo Chính phủ nêu rõ.
Đứng đầu tỷ lệ giảm ca nhiễm phát sinh trong cộng đồng là phường Phú Thuận, quận 7. Vào ngày 9/7, địa bàn này có 23 ca, sau một tuần thực hiện Chỉ thị 16 thì số ca mới trung bình là 5,5 ca/ngày.
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT, đã chỉ đạo TP HCM hạn chế công nhân đi lại tại các công trình; đồng thời triển khai đánh giá mức độ an toàn và có thể tạm dừng các công trình đang thi công trên địa bàn, trừ các chương trình trọng điểm trong thời gian ngắn thực hiện Chỉ thị 16.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM cũng cho hay, việc TP khởi xướng chương trình cấp mã nhận diện ưu tiên luồng xanh (đã cấp gần 29.000 xe) đã góp phần lưu thông hàng hoá từ các địa phương về đây. Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm cũng đề nghị Bộ GTVT sớm thống nhất cơ chế lưu thông với các tỉnh để tránh tắc nghẽn việc cung ứng hàng hóa.
Về vấn đề cung ứng hàng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, mặc dù thời gian qua ngành công thương đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần tiếp tục huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân. Đồng thời yêu cầu Sở Công Thương tính toán cụ thể theo điều kiện của từng địa bàn, làm sao khớp nối hệ thống phân phối với nhu cầu thực tế của từng nơi.
Hiện nay một số địa phương trên địa bàn có đưa ý kiến tổ chức bán hàng ở các quảng trường, đường lớn, thay vì tổ chức bán trong chợ truyền thống; kẻ ô, kẻ vạch bán giữa lòng đường, lề đường, đảm bảo khoảng cách cho người dân đi mua hàng… Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, cần xem xét, có tính toán cụ thể phương án này trên từng địa bàn cụ thể để phục vụ người dân, chưa áp dụng trên phạm vi toàn TP.