|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

TP HCM đề xuất quy định cửa hàng xăng dầu bán tối thiểu 12 giờ/ngày

11:59 | 27/10/2022
Chia sẻ
Theo Sở Công Thương TP HCM, việc quy định cụ thể về thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu là để tránh tình trạng doanh nghiệp đăng ký thay đổi, giảm thời gian bán hàng, đặc biệt là trong trường hợp nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn.

Sở Công Thương TP HCM đang lấy ý kiến tham khảo các ban ngành trước khi đề xuất UBND thành phố ban hành quy định về giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng và quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại thành phố.

Trong đó, có quy định là các cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo thời gian bán hàng tối thiểu 12 giờ/ngày.

Theo Sở Công Thương TP HCM, đề xuất chấp thuận thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự xác định giờ bán hàng theo thực tế, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp song phải đảm bảo thời gian bán hàng tối thiểu 12 giờ/ngày (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật); không mở cửa bán hàng trễ hơn 6 giờ và không đóng cửa bán hàng trước 18 giờ hàng ngày…

Với dịp lễ, Tết thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày; khuyến khích các thương nhân bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu quy định như trên.

TP HCM đề xuất quy định các cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo thời gian bán hàng tối thiểu 12 giờ/ngày. (Ảnh: Như Huỳnh)

Sở Công Thương đề xuất việc khống chế thời gian bán hàng của các cửa hàng xăng dầu là vì trong thời gian căng thẳng nguồn cung xăng dầu vừa qua, có trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động 24/24 giờ nhưng lại có khá nhiều cửa hàng chỉ bán trong khung giờ 6-18giờ hoặc bán đến 17 giờ.

Trong khi đó, thời điểm từ 17-18 giờ là giờ tan tầm, lượng xe lưu thông lớn và có nhu cầu đổ xăng dầu rất cao.

Theo cơ quan này, việc quy định cụ thể về thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP HCM là để tránh tình trạng doanh nghiệp đăng ký thay đổi, giảm thời gian bán hàng, đặc biệt là trong trường hợp nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn.

Như Huỳnh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.