TP HCM bắt đầu chi hỗ trợ
Ngoài hỗ trợ cho người lao động bị mất việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp và người bán vé số, TP.HCM cũng dự kiến chi hỗ trợ cho người có công, gia đình chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo bị tác động bởi dịch Covid-19.
Chiều 7/4, hội trường UBND P.13, Q.8, TP.HCM dù chưa tới 10 người nhưng không khí rộn ràng, nụ cười hé lộ qua ánh mắt của những người bán vé số khi nhận món quà gồm bao gạo và thùng mì gói từ UBND phường.
Ngoài ra, mỗi người nhận thêm 750.000 đồng từ Quỹ phòng chống Covid-19 mà UBND TP.HCM quyết định chi hỗ trợ cho người bán vé số bị mất việc làm trong thời gian dừng phát hành xổ số kiến thiết. Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP, Q.8 đứng đầu danh sách các địa phương có người bán vé số được nhận hỗ trợ trong đợt này.
Nguồn hỗ trợ kịp thời
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Lâm (ngụ P.13, Q.8) cho biết đã một tuần trôi qua, bà không có thu nhập từ bán vé số như trước, chồng bà cũng không chạy xe ôm được do ế khách, sức yếu.
Người phụ nữ 62 tuổi này mỗi lần đi chợ chỉ dám mua bó rau, quả trứng về ăn qua bữa. Cầm trên tay 750.000 đồng, bà Lâm cho hay không dám tiêu xài ngay mà phải để dành phòng thân trong trường hợp vé số tiếp tục bị tạm dừng phát hành sau ngày 15.4.
Trong khi đó, chị Hứa Thị Lan cùng cha đẻ là ông Hứa Vinh (ngụ P.11, Q.8) cũng đến trụ sở Mặt trận và các đoàn thể Q.8 trên đường Ưu Long để nhận hỗ trợ.
Chị Lan cho biết sau khi nhận 750.000 đồng thì việc đầu tiên chị làm là thanh toán tiền điện, nước và mua một số đồ dùng cần thiết như dầu ăn, gia vị để đỡ “nhạt miệng” trong những ngày tới. Trước đó, gia đình chị cũng đã nhận gạo, mì gói do phường hỗ trợ.
Theo bà Trần Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.8, tính đến trưa 7.4 toàn quận có 1.337 người bán vé số. Người bán vé số được các khu phố, tổ dân phố và công an khu vực rà soát nên kết quả thống kê tương đối sát với thực tế.
Nhiều người về quê tránh dịch cũng được cập nhật bổ sung sau khi công an khu vực xác nhận, phường cũng linh động giải quyết cho nhiều người bán vé số nhưng không có giấy tờ tùy thân.
Bà Thủy cho rằng danh sách người bán vé số được Phòng LĐ-TB-XH và Ủy ban MTTQ quận rà soát lại trước khi chi hỗ trợ để tránh tình trạng một người bán vé số có hộ khẩu thường trú và tạm trú ở 2 nơi khác nhau. “Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng phải hỗ trợ đúng người, tránh tình trạng thấy được hỗ trợ kê thêm người không bán vé số”, bà Thủy nói.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết danh sách người bán vé số được nhận hỗ trợ sẽ liên thông 24 quận, huyện để kiểm phối lẫn nhau, theo địa chỉ thường trú, tạm trú chứ không phải nơi bán, nhằm tránh tình trạng trục lợi, nhận hỗ trợ trùng. C
ác phường, xã bắt đầu chi hỗ trợ từ ngày 6.4 và cố gắng hoàn thành trước 10.4. Theo ông Tấn, ban đầu Sở LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ 300.000 đồng nhưng lãnh đạo TP.HCM nhận thấy mức hỗ trợ này còn thấp, chưa giải quyết được nhu cầu đời sống hằng ngày nên quyết định hỗ trợ 750.000 đồng.
Người mất việc nhận hỗ trợ trong tháng 4
Ngoài người bán vé số, TP.HCM dự kiến có 600.000 người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội, mỗi người nhận 1 triệu đồng/tháng từ tháng 4 - 6.2020.
Trong số này có khoảng 32.000 là giáo viên mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình ngoài công lập bị mất việc do các trường ngừng hoạt động từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Người lao động được hưởng trợ cấp phải được Ban Quản lý các KCX, KCN TP, Ban Quản lý khu công nghệ cao TP và UBND các quận huyện xác nhận.
TP đã dành khoảng 1.800 tỉ đồng để hỗ trợ cho nhóm này, dự kiến có thể chi trả vào cuối tháng 4. Số tiền trên được trích từ 50% thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức TP.HCM trong năm 2020.
TP HCM cũng hỗ trợ 15.000/43.000 người thuộc diện chính sách, người có công đang hưởng chế độ hằng tháng bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, mỗi tháng nhận được 500.000 đồng trong vòng 3 tháng.
Ông Tấn khẳng định đây không phải là chế độ hằng tháng mà là khoản hỗ trợ của TP HCM trong thời điểm dịch bệnh nên mọi người cần chia sẻ với nhau, người không bị ảnh hưởng thì không nhận.
Ngoài ra, TP cũng sẽ hỗ trợ cho 9.000/32.000 hộ nghèo và cận nghèo chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 như mất việc làm, buôn bán ế ẩm và mất nguồn hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội. TP HCM quyết định hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng để các hộ vượt qua giai đoạn này.
“Không phải toàn bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP HCM đều được nhận hỗ trợ mà chỉ có những hộ bị tác động bởi dịch Covid-19”, ông Tấn khẳng định và cho biết 2 khoản hỗ trợ này đang được lập phương án để chi trả trong tháng 4.
Chiều 7.4, H.Hóc Môn tổ chức trao quà cho người bán vé số. Trên địa bàn huyện có khoảng 1.050 người cả thường trú, tạm trú và lưu trú sống bằng nghề này. Theo quy định, TP.HCM hỗ trợ cho khoảng 770 người thuộc diện thường trú, tạm trú với mức 750.000 đồng/người. Riêng H.Hóc Môn vận động hỗ trợ thêm cho tất cả 1.050 người với mức 500.000 đồng/người.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/