Tổng thống Putin nhắc lại thoát lời nguyền dầu khí Nga
Dầu Mỹ tràn ngập châu Âu, dầu Nga và OPEC ‘ra rìa’ | |
Đại gia dầu khí Nga chi 12,9 tỷ USD thâu tóm 49% cổ phần công ty dầu khí Ấn Độ |
RT thông tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một nghị định được thiết lập để làm cho nền kinh tế Nga ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu trong nhiệm kỳ 6 năm tới của ông.
Tổng thống Putin tiếp tục muốn giảm sự phụ thuộc vào dầu khí. |
Theo nghị định, doanh thu phi dầu mỏ của Nga sẽ tăng lên 250 tỷ USD một năm, trong đó 50 tỷ USD xuất phát từ máy móc xuất khẩu, 45 tỷ USD từ nguồn cung cấp nông nghiệp và 100 tỷ USD từ việc xuất khẩu dịch vụ.
Các ngành công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ nên chiếm không ít hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.
Theo các phương án được đề ra trong nghị định mới, Nga sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình, bao gồm việc xây dựng các tuyến đường mới và tăng khả năng của các cảng biển.
Nga đã đặt mục tiêu phát triển các tuyến đường biển Bắc và tăng lưu lượng hàng hóa lên tới 80 triệu tấn.
Các tuyến đường sắt của Nga cũng đang được tập trung nâng cấp. Đơn cử như công suất đường sắt Baikal-Amur và Trans-Siberian được đặt ra mục tiêu tăng lên 180 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, nước này cũng cần tăng cường khả năng tiếp cận đường sắt đến các cảng biển của lưu vực biển Azov- biển Đen. Nga cũng đặt mục tiêu liên kết các thành phố lớn với tuyến đường sắt cao tốc.
Việc tập trung vào phát triển các ngành phi dầu mỏ của Nga không chỉ là mục tiêu của Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ này.
Ông đã đề ra mục tiêu này trong các nhiệm kỳ trước và cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cũng từng nỗ lực để đạt mục tiêu này.
Tuy nhiên, một thực tế là ngoài những con đường vận chuyển hàng hóa, Nga đã tìm cách mở rất nhiều "con đường dầu mỏ" trong những năm gần đây.
Các đường ống dẫn khí từ các mỏ khí đốt ở Nga để Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu đang được triển khai kế hoạch, gấp rút xây dựng và hoàn thành.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga, nông nghiệp là một mũi nhọn nhưng Nga cũng tìm cách triển khai mạnh mẽ các tuyến đường ống dẫn dầu. Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Gazprom còn tiết lộ đang có kế hoạch triển khai đường ống dẫn khí đốt mang tên Nord Stream-3 từ Nga sang châu Âu.
Trong bối cảnh khó khăn của nước Nga và sức ép thay đổi mạnh mẽ từ quốc tế, một trong những phương án dùng người có thể giúp đỡ Tổng thống Nga là cựu Phó Thủ tướng Alexei Kudrin.
Giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những chương trình kinh tế mà Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã chỉ định ông Alexei Kudrin soạn thảo.
Nga có muốn giảm phụ thuộc dầu mỏ? |
Ông Kudrin được cho là nhân vật có tiềm năng trong vấn đề kinh tế, có thể được Tổng thống Putin bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng trong chính quyền mới. Sự xuất hiện của ông Kudrin, một người có thành tích lớn lao trong việc giúp nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 được cho sẽ là đầu mối giúp nước Nga tái cơ cấu các ngành kinh tế.
Theo Kommersant, ông Kudrin là tác giả của 15 công trình khoa học trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính, bao gồm các chủ đề như cạnh tranh và chính sách chống độc quyền trong nền kinh tế của Liên Xô trong thời kỳ quá độ.
Ông Kudrin vừa qua đã quay trở lại chính trường với vai trò cố vấn cho Tổng thống Putin trong chiến dịch tranh cử. Ông thậm chí đã có cuộc phỏng vấn với nhật báo Vedomosti của Nga và chia sẻ những kế hoạch nếu trở thành thủ tướng Nga.
Dẫu sự tin tưởng vào nhân vật Kudrin được cho là có thể tiếp nối quyền lực và uy tín của Tổng thống Nga, nhiều nhà phân tích vẫn bi quan với vị cựu Phó Thủ tướng.
Ông Andrei Kolesnikov, nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định ông Kudrin là nhân vật nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới đầu tư vì những cải tổ thân thiện với thị trường. Tuy nhiên, khả năng ông Kudrin có thể giúp khôi phục mối liên hệ kinh tế giữa Nga và Mỹ, châu Âu - một yếu tố chứng tỏ sự giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ của kinh tế Nga - vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
"Ngay cả khi ông Kudrin gia nhập chính phủ sắp tới, ông khó có thể làm được nhiều việc vì bối cảnh chính trị hiện nay" - ông Andrei Kolesnikov nói.