Tổng Licogi ngập sâu trong nợ nần, nguy cơ bán 'lúa non' vốn nhà nước
Tiếp tục thua lỗ
Báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 của Tổng Công ty Licogi (Mã: LIC) vừa công bố cho thấy hoạt động kinh doanh của Tổng công ty này lại tiếp tục bộc lộ những yếu kém.
Doanh thu trong quí II của Licogi đã giảm đến 35% so với cùng kì năm trước xuống còn 406 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 40 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kì và không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động khác.
Ngoài ra, các "khoản chi khác" cũng góp phần làm lợi nhuận của Tổng công ty âm đến 29 tỉ đồng so với con số 28 tỉ đồng của quí II/2018.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu của Licogi giảm 29% xuống mức 71 tỉ đồng. Công ty lỗ ròng 71 tỉ đồng, gấp 8 lần cùng kì. Bức tranh kinh doanh của Licogi tiếp tục thể hiện sự u ám ngay khi vừa gượng dậy trong năm 2018 với khoản lãi 29 tỉ đồng.
Hiện Licogi đã lỗ luỹ kế 600 tỉ đồng, ngốn hết 2/3 vốn điều lệ. Đáng ngại hơn, nợ phải trả của Licogi tiếp tục tăng lên mức cao mới 4.277 tỉ đồng, chiếm đến 95% tổng nguồn vốn. Đặc biệt là các khoản nợ vay ngắn hạn hơn 1.800 tỉ đồng tại các ngân hàng.
Hoạt động kinh doanh của Licogi trở nên bất thường kể từ khi cổ phần hoá năm 2015.
Hoạt động kinh doanh trượt dài khiến nỗi lo mất khả năng thanh toán ngày càng đậm nét. Tại ngày 30/6/2019, tài sản ngắn hạn trị giá 2.150 tỉ đồng của Licogi chủ yếu nằm ở mục khoản phải thu và hàng tồn kho.
Tuy nhiên, các khoản thu này tới nay vẫn rất mơ hồ. Đầu năm 2019, sau khi phân tích các chỉ số tài chính của Licogi, Bộ Tài chính đánh giá Tổng công ty Licogi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ có kì hạn dưới 4 tháng.
Lí do mà Bộ Tài Chính đưa ra là tài sản ngắn hạn của tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu và hàng tồn kho, còn số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 30/6/2018 chỉ khoảng 40 tỉ đồng.
Trong khi đó, báo cáo kiểm toán năm 2018 của Licogi, đơn vị kiểm toán cũng nêu ra hàng loạt những chi tiết mà theo đơn vị kiểm toán là không thể thu thập được các căn cứ để xác định tính hiện hữu của các khoản phải thu và công nợ tại các đơn vị thành viên.
'Át chủ' Thịnh Liệt chưa có tiến triển
Tại ngày 30/6, Licogi đã ghi nhận 1.007 tỉ đồng chi phí sản xuất dở dang tại Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt, không thay đổi đáng kể so với thời điểm cuối năm 2018.
Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt chính là dự án đầu tư lớn nhất của Tổng công ty do công ty con 100% vốn là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô Thị Licogi làm chủ đầu tư.
Được biết, dự án bất động sản này có diện tích hơn 35 ha, nằm trên địa bàn phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, được Hà Nội giao cho Licogi từ năm 2004 để lập phương án giải phóng mặt bằng.
Theo kế hoạch được duyệt, dự án này được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chủ đầu tư sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư CT5 phục vụ tái định cư dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2008 và giai đoạn 2 tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự và kết thúc vào năm 2011.
Tháng 9/2017, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định chấp thuận điều chỉnh qui mô dân số lên 11.620 người từ 9.000 người ban đầu đồng thời yêu cầu chủ đầu tư gấp rút hoàn thành dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án khu đô thị này vẫn "án binh bất động".
Giữa tháng 4/2019, báo chí dẫn lời đại diện UBNN quận Hoàng Mai cho biết trong giai đoạn đầu, công tác GPMB dự án này rất cầm chừng. Tới nay, công tác GPMB giai đoạn I còn tồn tại khoảng 3.253 m2 (khoảng 30 hộ gia đình). UBND quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động; tập trung hoàn thành GPMB diện tích còn lại trong quí II/2019.
Sau khi có mặt bằng sạch, quận Hoàng Mai mới báo cáo để thành phố giao các sở ngành liên quan thực hiện các khâu tiếp theo như cắm mốc giới, thu hồi đất, xác định nghĩa vụ tài chính của dự án… theo qui trình thì chủ đầu tư mới có cơ sở để nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, với tình hình tài chính kiệt quệ hiện nay, Licogi đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm nguồn vốn để thực hiện dự án trên. Cuối tháng 9/2018, lãnh đạo Licogi trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu nhằm triển khai dự án này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Dự án Thịnh Liệt sau 15 năm vẫn chưa triển khai. Ảnh: VTC.
Vào tay tư nhân trước khi hái quả ngọt?
Licogi là một trong những đơn vị trực thuộc đầu tiên của Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt quyết định cổ phần hóa vào cuối năm 2014 với vốn điều lệ 900 tỉ đồng, tương đương 90 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Sau khi cổ phần hoá, Bộ Xây Dựng nắm 40,71% vốn tại Licogi, nhóm Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường đang nắm tổng cộng 57% vốn, khoảng hơn 2% còn lại thuộc các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Mối quan hệ kinh tế giữa Licogi và nhóm cổ đông trên đã có từ trước. Theo thông tin từ Licogi, trước khi trở thành nhà đầu tư chiến lược Licogi trong năm 2015, vào ngày 25/9/2014, Licogi đã ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác kinh doanh dự án KĐT Thịnh Liệt với Công ty BĐS Khu Đông và nhận 60 tỉ đồng tiền đặt cọc từ đối tác này.
Ngày 25/3/2017, Bất động sản Khu Đông đã gửi văn bản tới Bộ Xây Dựng đề xuất mua lại toàn bộ 40,71% vốn nhà nước tại Licogi, qua đó nhóm cổ đông này sẽ sở hữu gần như toàn bộ cổ phần tại Licogi. Dù vậy, kế hoạch thâu tóm trên đã bị trì hoãn sau khi Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chuyển quyền đại diện phần vốn về về SCIC ngay sau đó.
Cuối tháng 6 vừa qua, SCIC công bố danh sách 108 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn trong năm 2019 bao gồm cả 40,7% vốn đang sở hữu tại Tổng công ty Licogi. Theo đó, mở lại cơ hội để nhóm cổ đông lớn hiện nay nắm toàn bộ vốn tại Licogi.
Đáng chú ý là kế hoạch thoái vốn dự kiến được triển khai ngay tại thời điểm mà dự án chủ lực của Licogi là bất động sản rộng 35 ha chưa được khai thác và thu lợi nhuận. Bởi theo các nhà phân tích, xét trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bết bát, nợ nần chồng chất như hiện nay thì việc xác định giá khởi điểm chào cổ phần tại Licogi rất khó lòng đạt được mức giá cao.
Điều này có thể có lợi cho bên mua và ngược lại gây bất lợi cho bên bán. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng quyết định thoái vốn của SCIC tại thời điểm này có khả năng mang lại hiệu quả cho đồng vốn của nhà nước hay không?
Với rất nhiều thương vụ thoái vốn gây thất thoát tài sản nhà nước trong thời qua đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực bất động sản, các nhà quan sát cho rằng cơ quan quản lí nhà nước cần phải theo dõi sát sao các thương vụ thoái vốn tiếp theo để ngăn ngừa tình trạng thất thoát tài sản nhà nước vốn đã mất kiểm soát trong giai đoạn trước đây.