[Tổng kết TTCK 2019] Rót ròng hơn 5.400 tỉ đồng, các quĩ ETF vận động ra sao?
Dòng tiền ETF vào Việt Nam cao hơn Malaysia, Phippines
Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là điểm hút vốn từ các quĩ hoán đổi danh mục (ETF). Tổng hợp số liệu từ Bloomberg, dòng vốn ETF vào TTCK Việt Nam trong năm nay đạt khoảng 235 triệu USD (chưa tính iShares MSCI Frontier 100 ETF), tương đương hơn 5.400 tỉ đồng.
Mặc dù số lượng ETF thấp hơn đáng kể so với con số 14 ETF tại Singapore và 19 ETF tại Thái Lan, giá trị ETF vào ròng tại Việt Nam trong năm 2019 cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực như Indonesisa (218 triệu USD), Malaysia (53 triệu USD) và Philippines (52 triệu USD). Đây là điểm sáng cho TTCK Việt Nam trong năm 2019 đầy biến động.
Các quĩ ETF vào ròng ra sao trong năm 2019?
Trong năm 2019, VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và VFMVN30 ETF đóng vai trò lớn nhất trong việc thu hút ròng tiền ETF vào TTCK Việt Nam.
Cụ thể, VNM ETF mua ròng 101 triệu USD (tương đương 2.333 tỉ đồng) trên TTCK Việt Nam năm nay. Giá trị tài sản ròng (NAV) của VNM ETF (tính đến này 27/12) đạt 442,8 triệu USD (tương đương 10.230 tỉ đồng). Danh mục đầu tư của VNM ETF phân bổ 70,91% vào TTCK Việt Nam, theo sau đó là Hàn Quốc (15,71%) và Nhật Bản (5,06%).
Ngang bằng với VNM ETF, VFMVN30 ETF (E1VFVN30) mua ròng 100,9 triệu USD (hơn 2.300 tỉ đồng) vào TTCK Việt Nam trong năm 2019. Tính đến ngày 30/12, NAV của VFMVN30 ETF đạt 6.669 tỉ đồng, tăng 2.452 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2019.
Theo thống kê từ Bloomberg, KINDEX Vietnam VN30 ETF Synth (KIM ETF) vào ròng 26,8 triệu USD trong năm nay. ETF này hoạt động tại TTCK Việt Nam kể từ năm 2016 và tham chiếu chỉ số VN30.
Cũng trong năm 2019, TTCK Việt Nam đón thêm dòng tiền ETF từ Hong Kong. Quĩ Premia MSCI Vietnam ETF ra mắt vào tháng 7 với qui mô 2,06 triệu chứng chỉ qũi, NAV là 21 triệu USD. Ghi nhận tại ngày 30/12, qui mô của Premia MSCI Vietnam ETF tăng lên 2,5 triệu chứng chỉ quĩ và NAV là 24 triệu USD.
Sau năm 2018 rút ròng, FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE ETF) vào ròng trở lại TTCK Việt Nam trong năm nay. Tổng giá trị mua ròng trong năm nay của FTSE ETF đạt 9,6 triệu USD (gần 222 tỉ đồng).
Ghi nhận cuối năm 2019, giá trị tài sản thuộc quyền quản lí của FTSE ETF đạt 272,27 triệu USD (tương đương 6.290 ti đồng). Với giá trị tài sản này, FTSE ETF bị VFMVN30 ETF vượt về qui mô trên thị trường.
Trong bối cảnh hàng loạt ETF tăng qui mô trên TTCK Việt Nam năm nay, quĩ iShares MSCI Frontier 100 ETF bị rút ròng 650.000 ccq trong năm 2019. NAV của iShares MSCI Frontier 100 ETF tính đến cuối năm nay là 504,2 triệu USD, trong đó phân bổ vào 11,69% vào TTCK Việt Nam.
ETF nội đóng vai trò quan trọng
Dữ liệu phân tích trên cho thấy VNM ETF và VFMVN30 ETF có giá trị ngang bằng về giá trị vào ròng trong năm nay. Tuy nhiên, khi xét trên giai đoạn dài hơn, trong 3 năm (2017 - 2019), VFMVN30 ETF dẫn đầu về giá trị vào ròng với 263 triệu USD (tương đương gần 6.080 tỉ đồng). Theo đó, quĩ này vượt FTSE ETF về qui mô trên thị trường. Điều này cho thấy vai trò lớn của ETF nội trong vai trò hút vốn.
Theo sau VFMVN30 ETF, hai quĩ KIM ETF và VNM ETF vào ròng lần lượt 170,6 triệu USD và 133,7 triệu USD trong 3 năm trở lại đây. Đáng chú ý, FTSE ETF rút ròng 52,2 triệu USD khỏi thị trường giai đoạn 2017 - 2019.
Ra mắt thêm ba chỉ số mới, cơ hội đón thêm ETF
Bên cạnh việc phát triển của VFMVN30 ETF, TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển ETF bằng việc ra mắt ba chỉ số mới trong tháng 11.
Cụ thể, ngày 18/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chính thức triển khai ba bộ chỉ số mới gồm Vietnam Diamond Index (VN Diamond), Vietnam Leading Financial Index (VNFIN Lead) và Vietnam Financial Select Sector Index (VNFIN Select).
Với việc ra mắt ba bộ chỉ số mới này, TTCK Việt Nam có thêm cơ hội đón thêm dòng vốn ETF mới. Diễn biến mới đây, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) chính thức công bố ra mắt quĩ ETF SSIAM VNFIN LEAD, dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFIN Lead).
Quĩ ETF SSIAM VNFIN Lead đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận phát hành ra công chúng ngày 19/12 với qui mô ban đầu dự kiến 25 - 30 triệu USD.