Sau hơn 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có luật mới sau khi Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi tại kì họp thứ 8 vào cuối tháng 11. Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.
Những thay đổi đáng chú ý tại Luật chứng khoán sửa đổi gồm: (i) Chứng khoán gồm chứng chỉ lưu kí, chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết, (ii) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, (iii) Điều kiện chào bán ra công chúng, chào bán riêng lẻ, công ty đại chúng, (iv) Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam gồm 2 công ty con là HOSE, HNX.
Trước đó, một lộ trình rõ ràng trong việc cơ cấu lại TTCK Việt Nam cũng được ban hành. Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".
Đề án đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như, quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% vào năm 2025; số lượng nhà đầu tư trên đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào 2025; nâng hạng TTCK Việt Nam trước năm 2025.
Song song với với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lí trong năm nay, sau hơn 2 năm vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, một sản phẩm mới là chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – CW) cũng được đưa vào vận hành trong tháng 6. Sản phẩm này được đề cập chính thức tại Nghị định 60/2015/CP-NĐ của Chính phủ.
Việc ra đời sản phẩm này giúp thị trường có thêm sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Tính đến giữa tháng 12, qui mô vốn hóa của thị trường chứng quyền có đảm bảo tại Việt Nam đạt trên 200 tỉ đồng, có thời điểm vượt 400 tỉ đồng. Các công ty chứng khoán cung cấp sản phẩm chứng quyền có đảm bảo dựa trên 18 mã cổ phiếu.
Sau khi ra mắt sản phẩm chứng quyền, ngày 18/11, HOSE triển khai chính thức ba chỉ số mới gồm Vietnam Diamond Index (VN-Diamond), Vietnam Leading Financial Index (VNFIN-Lead) và Vietnam Financial Select Sector Index (VNFIN-Select).
Theo công bố, rổ chỉ số VN-Diamond gồm 14 cổ phiếu, rổ VNFIN-Select gồm 16 cổ phiếu, trong khi có 14 cổ phiếu lọt rổ VNFIN-Lead.
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang chỉ có hai rổ quen thuộc là VN30 và MSCI Vietnam. Việc phát triển các rổ chỉ số mới để tạo thêm sản phẩm cho thị trường là điều cần thiết để tạo thêm mức hút với dòng tiền mới. Động thái ra mắt ba chỉ số mới cho thấy những "điểm sáng" trong việc thu hút dòng tiền gia nhập thị trường thông qua việc có thêm ETF.
Mặc dù đã có những cải thiện về pháp lí, năm 2019, TTCK Việt Nam tiếp tục "lỡ hẹn" và nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market) của FTSE Russell.
Được biết, Việt Nam được FTSE Russell thêm vào danh sách theo dõi để phân loại lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, sau một năm rà soát, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 7/9 tiêu chí xếp loại của FTSE.
Đáng chú ý hơn nữa, hai tiêu chí bị đánh giá thấp hơn. Thứ nhất, yếu tố Hoạt động chứng khoán thông suốt, không có lỗi không được đánh giá. Thứ hai, yếu tố Thanh toán bù trừ T+2/T+3 bị hạ từ Đạt xuống Hạn chế. Như vậy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được theo dõi trong năm 2020.
Bức tranh tổng quan, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến năm 2019 đầy biến động. VN-Index có 6 lần giảm điểm khi chạm ngưỡng kháng cự tâm lí 1.000 điểm. Khi VN-Index vượt ngưỡng kháng cự này và tâm lí nhà đầu tư được giải tỏa, thị trường lại bất ngờ quay đầu giảm sâu.
Đóng cửa ngày 18/12, VN-Index ở 951,13 điểm (tăng 6,56% so với đầu năm) và khả năng lớn sẽ đóng cửa năm 2019 dưới mốc 1.000 điểm.
Bối cảnh khó khăn của thị trường, hầu hết các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quĩ ngoại đều có hiệu suất thấp hơn của thị trường. Dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg ngày 17/12, quĩ đầu tư có qui mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lí có hiệu suất 2,19%, thấp hơn hiệu suất của VN-Index là 6,56%. Theo đó, quĩ này đứng trước nguy cơ chấm dứt chuỗi 4 năm "chiến thắng" VN-Index liên tiếp.
Trong bối cảnh không mấy sáng sủa, động thái tích cực của thị trường đến từ việc hàng loạt "ông lớn" chi hàng nghìn tỉ đồng để mua cổ phiếu quĩ từ nguồn vốn là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Cụ thể, Hàng không Vietjet (Mã: VJC) chi khoảng 2.300 tỉ đồng mua lại 17,77 triệu cổ phiếu quĩ, giảm lượng cổ phiếu lưu hành xuống còn 523,84 triệu đơn vị vào cuối tháng 8. Dơn vị khác liên quan đến bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, Mã: HDB) cũng dự chi khoảng 1.200 tỉ đồng để mua vào 49 triệu cổ phiếu quĩ.
Trước HDBank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) cũng chi khoảng 1.100 tỉ đồng mua 50 triệu cổ phiếu quĩ, với giá bình quân 22.194 đồng/cp.
Những tháng cuối năm, hai doanh nghiệp "họ Vingroup" là Vinhomes (Mã: VHM) và Vincom Retails (Mã: VRE) cũng mua vào lần lượt 60 triệu cổ phiếu quĩ (tương ứng 1,79% vốn điều lệ) và 56,5 triệu cổ phiếu quĩ (tương đương 2,426% vốn điều lệ). Ước tính, hai doanh nghiệp thuộc họ Vingroup chi hơn 7.400 tỉ đồng để thực hiện giao dịch này.
Một năm đầy biến động, trong tháng 8, giới đầu tư chứng kiến cú "lao dốc" cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân. Với chuỗi 30 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu FTM mất gần 90% giá trị khi giảm từ mức 23.650 đồng/cp về giá thấp nhất 2.600 đồng/cp.
Cú "lao dốc" của cổ phiếu FTM không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mà ngay cả với các công ty chứng khoán khi cho vay với tài sản thế chấp mã này. Thông tin không chính thức mức thiệt hại của các công ty chứng khoán khoảng 200 tỉ đồng.
Sau FTM, thị trường chứng khiến hàng loạt cổ phiếu có chuỗi giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp như TTB của Tập đoàn Tiến Bộ, VHE của Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam.
Một sự kiện đáng quan tâm khác là cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 lao dốc sau khi dính lùm xùm với Youtube. Từng là cổ phiếu có thị giá cao nhất TTCK Việt Nam, cổ phiếu YEG giảm từ 235.000 đồng/cp thời điểm đầu năm xuống còn 41.800 đồng/cp kết phiên 17/12, mất 82,2% giá trị.
Kênh đầu tư chứng khoán trở nên khó "kiếm ăn", NĐT đón nhận tin vui là bỏ mức sàn phí giao dịch. Cụ thể, ngày 27/12/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 128 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tư 128 có hiệu lực ngày 15/2.
Theo quy định này, mức tối đa của giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quĩ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) là 0,5% giá trị giao dịch và không áp dụng mức sàn.
Với việc bỏ mức sàn phí giao dịch, cuôc đua về phí giao dịch trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Các công ty chứng khoán đồng loạt tung ra các chương trình miễn phí phí giao dịch cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, trên thị trường đã xuất hiện công ty chứng khoán miễn phí phí giao dịch trọn đời cho các khách hàng.
Sau năm 2018 đạt kỉ lục về xử phạt thao túng giá cổ phiếu trên thị trường, tháng 3/2019, TTCK tiếp tục đón nhận thông tin về khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu KSA của Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận.
Trong vụ án này, 4 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", trong đó có bà Phạm Thị Hinh (Sinh năm 1973) giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán VSM và CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (Mã: KSA). Ngoài ra còn có 3 bị cáo khác là Nguyễn Anh Tuấn (Sinh năm 1981); Trần Hồng Ngọc (Sinh năm 1981) và Nguyễn Trọng Hùng (Sinh năm 1979).
Theo kết luận điều tra, các bị can đã sử dụng 69 tài khoản giao dịch chứng khoán của người khác để liên tục mua, bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường với mã cổ phiếu KSA, gây thiệt hại cho nhà đầu tư số tiền hơn 8 tỉ đồng.