Tổng Giám đốc PAN Group và công ty riêng định mua bán hàng triệu cổ phiếu PAN
Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn PAN (Mã: PAN), vừa đăng ký bán 2.768.000 cổ phiếu, tương đương 1,28% vốn điều lệ công ty. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ 15/7 đến 13/8/2021.
Nếu bán thành công như đăng ký, bà My sẽ thu về khoảng 66 tỷ đồng và chỉ còn lại 1.266 cổ phiếu PAN.
Cũng trong thời gian từ 15/7 đến 13/8, Công ty cổ phần CSC Việt Nam do bà Trà My làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu PAN, dự định nâng sở hữu lên gần 12,8 triệu đơn vị (tương đương 5,9% vốn của PAN). Phương thức giao dịch dự kiến là thỏa thuận và khớp lệnh.
Kết phiên 9/7, giá cổ phiếu PAN dừng ở 24.000 đồng/cp, giảm hơn 18% so với đỉnh ngắn hạn thiết lập hôm 18/6.
Tháng 3 năm nay, PAN Group và 7 công ty thành viên là Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), Vinaseed (Mã: NSC), Southern Seed (Mã: SSC), Bibica (Mã: BBC), Aquatex Bến Tre (Mã: ABT), Lafooco (Mã: LAF) và Khử trùng Việt Nam (Mã: VFG) đã xung phong chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX để giảm tải cho hệ thống của HOSE. Biên độ dao động giá ở HNX là 10%, lớn hơn so với mức 7% ở HOSE.
Bà Trà My khi đó đã nói rằng PAN Group và các đơn vị thành viên muốn "chống đột quỵ" cho hệ thống đang quá tải của HOSE.
Tổng Giám đốc PAN Group cũng bày tỏ mong muốn sớm được trở lại với HOSE: "Hy vọng anh Bình (Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - PV) nói và sẽ quyết tâm làm được để ít tháng nữa PAN, FMC, NSC, SSC, ABT, BBC, LAF và VFG của chúng tôi sớm được trở về nhà HOSE ở trạng thái "bình thường mới" trong năm 2021!"
Ngoài PAN và các thành viên, một số doanh nghiệp khác như Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Chứng khoán BIDV (Mã: BSI) cũng tình nguyện chuyển sang giao dịch ở HNX.
Ngày 5/7 vừa qua, HOSE đã đưa vào vận hành hệ thống phần mềm do FPT xây dựng, giải quyết căn bản vấn đề nghẽn lệnh kéo dài suốt nhiều tháng. Hiện chưa rõ khi nào những cổ phiếu như PAN, VND sẽ quay lại HOSE.