|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng giám đốc kinh doanh vàng ảo cùng cấp dưới kêu oan

17:22 | 13/07/2019
Chia sẻ
Bị cáo buộc huy động tiền gửi của 700 khách hàng dưới hình thức ủy thác rồi chiếm đoạt, Saga và cấp dưới kêu oan.

Ngày 11-12/7, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kêu oan của Hsu Ming Jung (tức Saga, cựu tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái) và năm cấp dưới; một người đề nghị xem xét lại hành vi, hình phạt, cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Trước tòa, Saga kêu oan, nói không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư khi ủy thác kinh doanh vàng ảo. Bị cáo cho rằng, số tiền thu của khách hàng được mang về Đài Loan (Trung Quốc) để kinh doanh vàng, đá quý.

"Công ty Khải Thái không lấy tiền của người sau trả cho người trước mà lấy tiền lãi từ hoạt động đầu tư kinh doanh bên Đài Loan (Trung Quốc) trả lãi cho nhà đầu tư", bị cáo nói và cho rằng đã chuyển 20-30 tỷ đồng sang Việt Nam để trả lãi cho khách.

Bị cáo Tăng Hải Nam (cựu giám đốc chi nhánh Lotte của Khải Thái) kêu oan không giúp sức, không biết Saga lừa đảo nên không "cùng chung ý chí"...

Các bị cáo còn lại trình bày chỉ làm công ăn lương, không chiếm đoạt, giúp sức cho Saga lừa đảo khách hàng...

Sau hơn một ngày thẩm vấn, VKS đã đề nghị bác đơn kêu oan của Saga và cấp dưới. Tuy nhiên, cơ quan công tố cho rằng mức án tòa sơ thẩm tuyên phạt với các nhân viên của Saga là quá nghiêm khắc.

 Các bị cáo chỉ là người làm thuê, số tiền chiếm đoạt hoàn toàn do Saga sử dụng. Những người này cũng đã nộp lại một phần tiền chiếm đoạt.

VKS đề nghị giảm cho Phan Kiên Trung từ 20 năm còn 15 năm, Trịnh Hoàng Bình 4 năm bằng thời gian tạm giam, Nguyễn Mạnh Linh 20 năm còn 18 năm, Đoàn Thị Luyến 15 năm còn 13 năm, Tăng Hải Nam 14 năm 6 tháng còn 10 năm, Đinh Thị Hồng Vinh 14 năm tù còn 12 năm.

Riêng bị cáo Saga, VKS đề nghị giữ nguyên mức phạt tù chung thân và buộc phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.

Tổng giám đốc kinh doanh vàng ảo cùng cấp dưới kêu oan - Ảnh 1.

Bị cáo Saga tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CTV.

Theo VKS, Saga đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và tháng 8/2011 làm thủ tục lập Công ty Khải Thái với nhiều ngành nghề kinh doanh.

 Quá trình hoạt động, Saga đã đưa ra hình thức kinh doanh mới là huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức "ủy thác đầu tư" - không có trong ngành nghề đăng ký.

Saga chỉ đạo cấp dưới dùng nhiều hình thức quảng cáo không đúng sự thật, đào tạo nhân viên tư vấn về kinh doanh vàng tài khoản (vàng ảo) dù biết bị pháp luật Việt Nam cấm. 

Hứa hẹn kết nối người Việt muốn kiếm lời từ vàng ảo với thị trường thế giới, nhưng thực tế công ty Khải Thái thu tiền của người này, trả cho người kia tạo cho khách hàng niềm tin mình đang được giao dịch vàng ảo.

Sau khi huy động vốn của khách hàng, Saga chuyển tiền về Đài Loan và Quảng Châu (Trung Quốc) để đầu tư kinh doanh vàng và ngoại tệ.

 Bên cạnh đó, Công ty Khải Thái còn mở hội thảo đưa khách hàng sang Đài Loan, Hong Kong, Quảng Châu tham quan giới thiệu hoạt động đầu tư...

Với hoạt động trên, từ cuối năm 2012 đến tháng 9/2014, Saga và đồng phạm đã thu 264 tỷ đồng của hơn 700 bị hại và chiếm đoạt.

Sáu bị cáo khác là giám đốc các chi nhánh, kế toán trưởng công ty Khải Thái giữ vai trò giúp sức tích cực cho Saga trong việc huy động tiền gửi. 

Các bị cáo đều biết bản chất hoạt động của Khải Thái, song việc được trả lương, thưởng cao là động lực cho các bị cáo giúp sức Saga chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Ngày 15/7, tòa tiếp tục với phần đối đáp.

Việt Dũng