Tổng giám đốc BBI từng là người đào tạo của chợ điện tử bị khởi tố, dạy cách vay tiền và nhiều kĩ năng khác
BBI Việt Nam là công ty vận hành ứng dụng BBi Mall. Đây là nền tảng cho phép người tiêu dùng mua hàng, không chỉ nhận hàng hóa mà còn có thể nhận một khoản tích điểm lên đến 50% giá trị sản phẩm.
Hoạt động khi Bộ Công thương chưa cấp phép
Bộ Công thương chưa cấp phép hoạt động thương mại điện tử cho BBI Việt Nam, song công ty đã hoạt động và mở chi nhánh trên cả nước trong thời gian qua. Công ty cũng tổ chức rất nhiều hội thảo và mời mọi người tham dự.
Một phóng sự của VTV24 cho thấy ứng dụng BBI Mall thực hiện nhiều giao dịch ảo và dùng chiêu thức trả lãi suất cao để thu hút người sử dụng.
Ngoài ra, nếu người tham gia lôi kéo thành công nhiều người tham gia, doanh nghiệp vào hệ thống, khoản hoa hồng mà họ nhận sẽ rất lớn.
Ông Thân Ninh Hoài, Tổng giám đốc BBI Việt Nam. Ảnh: Người Hà Nội
Trong thông cáo báo chí mới nhất, BBI thừa nhận họ cần điều chỉnh vì đang hoạt động chưa đúng pháp luật.
Hoạt động trả chiết khấu dựa trên việc mời gọi người tham gia hệ thống thay vì dựa trên sản phẩm, hàng hóa mà các bên mua và bán - phương thức vi phạm pháp luật về kinh doanh theo mô hình đa cấp - đã diễn ra trong hệ thống của BBI Mall.
Thân thế của Tổng giám đốc BBI Việt Nam
Ông Thân Ninh Hoài, Tổng giám đốc BBI Việt Nam, từng là "giảng viên đào tạo kinh doanh" của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến MB24. Năm 2012, MB24 bị cáo buộc lợi dụng Giấy phép bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục ngàn người.
Cơ quan Cảnh sát điều tra của Hà Nội, Phú Thọ và Bộ Công an đã khởi tố bắt 4 đối tượng liên quan để điều tra hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Vào tháng 3/2014, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra quyết định truy nã đặc biệt Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB24.
Kết quả điều tra của công an cho thấy, dù không được cấp phép kinh doanh thương mại điện tử song MB24 vẫn rao bán các gian hàng điện tử trên trang muaban24.vn, chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng.
Để lôi kéo người dân mua gian hàng, MB24 đưa ra những chính sách như: Sau khi mua gian hàng, người mua sẽ trở thành hội viên của hệ thống và hưởng chiết khấu 7% khi mua hàng hóa trên trang; hưởng 1,5 triệu đồng nếu giới thiệu một người khác mua gian hàng.
Càng tuyển mộ người tham gia, người đứng đầu "nhánh" sẽ thăng cấp và hưởng phần trăm hoa hồng cao hơn.
Ông Thân Hoài Ninh dạy kĩ năng vay tiền người khác trong một video hồi năm 2012. Video: YouTube
Vì tin vào viễn cảnh mà MB24 vẽ ra, nhiều hội viên vỡ nợ vì mua gian hàng mà không thể kinh doanh, cũng không đòi được tiền.
Vnexpress đưa tin, trong khi công an đang điều tra, lượng thành viên tham gia mua gian hàng của "chợ điện tử" MB24 tăng liên tục, với 50 chi nhánh hoạt động tại hơn 20 tỉnh thành trên toàn quốc. Theo VTV1, thành viên MB24 vượt con số 20.000 vào tháng 7/2012.
Khi mạng lưới MB24 sập, những dấu hiệu lừa đảo lộ tẩy, Nguyễn Tuấn Minh đã chạy trốn trước những đồng phạm.
Ông Thân Ninh Hoài xuất hiện trong một số video đào tạo kinh doanh của MB24 trong năm 2012 để dạy cách vay tiền từ người khác, tính pháp lí của hợp đồng lao động điện tử. Đặc biệt, ông Hoài còn quảng cáo khả năng kiếm tới 100 triệu đồng mỗi tháng khi hợp tác với MB24.