Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Hà Nội vượt 2,3 triệu tỷ
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội cho biết tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tính đến 31/12/2020 đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tăng 12,91% so với thời điểm cuối năm trước.
Tổng dư nợ cho vay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,58%. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 190.333 tỷ đồng, chiếm 9,09%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 110.228 tỷ đồng, chiếm 5,27%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 395.541 tỷ đồng, chiếm 18,9%.... Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 1,91%.
Đến nay, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 cho gần 11.500 khách hàng với tổng dư nợ đạt 45.200 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 5.000 khách hàng với tổng số tiền miễn giảm đạt hơn 75 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt 445.684 tỷ đồng cho hơn 37.000 lượt khách hàng.
Về mặt bằng lãi suất của các TCTD trên địa bàn, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5% đến 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 7,5% đến 9,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đặt ra những nhiệm vụ NHNN Chi nhánh Hà Nội và các TCTD trên địa bàn cần thực hiện trong năm 2021.
Cụ thể, đối với NHNN Chi nhánh Hà Nội, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Thông tư 01; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát...
Đối với các TCTD trên địa bàn, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, càng phải kiểm soát chặt chẽ các quy định trong hoạt động tiền tệ, tín dụng.
Đồng thời, tiếp tục quản lý, tuân thủ chặt chẽ các vấn đề về ngoại tệ, đặc biệt trong vấn đề chuyển tiền thanh toán của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như chuyển tiền ra nước ngoài.
Ngoài ra, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD cần chú trọng hơn nữa đến công tác tiền mặt, quản lý tiền mặt, an toàn kho quỹ, đặc biệt là những quy định về an toàn tiền mặt, vận chuyển. Đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống tội phạm công nghệ, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán.