Tổng ca nhiễm vượt 8.000, TP HCM tạm dừng hoạt động tất cả chợ đầu mối, kiểm soát chặt người ra vào thành phố
Trong 4 ngày qua, từ 3 - 6/7, TP HCM trở thành "điểm nóng" của cả nước khi liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt mốc 600 ca. Tính đến trưa ngày 7/7, thành phố đã ghi nhận hơn 8.000 ca mắc, dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ra các tỉnh thành phía Nam, thành phố đã đưa ra một loạt quyết sách nhằm nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Kiểm soát chặt người ra vào thành phố
Nhằm kiểm soát dịch bệnh trong nội thành và tránh lây lan ra các tỉnh khác, chiều ngày 6/7, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản đề nghị những người dân có nhu cầu ra khỏi thành phố đến các tỉnh thành khác cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR.
Ngoài ra, TP HCM cũng đã thống nhất với các tỉnh lân cận về việc lưu thông hàng hóa với hai phương án là đổi lái xe hoặc lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Về vấn đề giá trị thời gian của kết quả xét nghiệm COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, đối với những trường hợp ra/vào TP HCM cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng ba ngày không phân biệt xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm RT-PCR. Những nơi có thể điều kiện thì áp dụng ngay QR code.
Tạm dừng 3 chợ đầu mối, hơn 100 chợ truyền thống trên địa bàn
Trước tình hình ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến chợ đầu mối, chợ truyền thống và các chuỗi lây nhiễm này đã lây sang các tỉnh thành khác, TP HCM đã quyết định đóng cửa toàn bộ ba chợ đầu mối gồm Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức.
Bên cạnh việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn cũng đã có 122/234 chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm hoặc vi phạm về phòng chống dịch COVID-19.
Nhanh chóng đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa
Với việc tạm dừng hoạt động ba chợ đầu mối cùng nhiều chợ truyền thống trên địa bàn, Sở Công thương TP HCM đã nhanh chóng tập trung kích hoạt các kịch bản, phương án nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa với các giải pháp cụ thể.
Để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân sau khi một số chợ đầu mối dừng hoạt động, các hệ thống siêu thị sẽ tăng cường lượng hàng hóa từ 50% đến 100%.
Ngoài ra, các thương lái, người buôn bán tại các chợ đầu mối sẽ được tập huấn sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử để mua bán trực tuyến, đồng thời TP HCM dành ba vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.
Sở Công Thương TP HCM sẽ vận hành bản đồ cung cấp thông tin những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cử hàng tiện lợi… an toàn tại từng quận, huyện, xã, phường để người dân đi chợ mua sắm nhu yếu phẩm. Sở cũng phối hợp với Saigon Co.op, Satra, Vissan cùng các đơn vị phân phối hiện đại chuẩn bị phương án hỗ trợ điểm bán cho người dân, nếu địa phương có đề nghị.
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, TP HCM cũng tập trung vào việc hỗ trợ đời sống của người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM vào chiều 6/7, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định TP HCM đảm bảo mức hỗ trợ tối thiểu 50.000 đồng/ người/ ngày cho 230.000 hộ nghèo tại các khu vực giãn cách xã hội. Thành phố đã dự trù kinh phí hỗ trợ trong trường hợp kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.