|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm hùm lại không bán được

10:33 | 16/03/2020
Chia sẻ
Khánh Hòa còn tồn hàng trăm tấn tôm hùm thịt. Số lượng không nhiều, song về lâu dài tỉnh cần tính toán thả nuôi hợp lí gắn với tiêu thụ.

Khánh Hòa còn tồn hàng trăm tấn tôm hùm thịt. Số lượng không nhiều, song về lâu dài tỉnh cần tính toán thả nuôi hợp lý gắn với tiêu thụ.

Tôm hùm lại không bán được - Ảnh 1.

Tôm hùm xanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lại rớt giá, tiêu thụ chậm. Ảnh: Kim Sơ.

Giá tôm hùm lại rớt thấp

Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, toàn tỉnh Khánh Hòa còn khoảng 360 tấn tôm hùm thịt chưa xuất bán được. Trong đó, tại TP Cam Ranh khoảng 350 tấn và huyện Vạn Ninh 10 tấn, chủ yếu tôm hùm xanh.

Tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh, một trong những địa phương nuôi tôm hùm xanh nhiều nhất ở Khánh Hòa, hiện có khoảng 1.100 hộ nuôi, với số lượng gần 10.000 lồng.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch xã Cam Bình, cho biết, toàn xã còn khoảng trên dưới 80 tấn tôm thịt. Tiêu thụ rất chậm, mỗi ngày thương lái thu mua chỉ dao động từ 1 - 2 tấn, giá rất thấp.

Về giá tôm hùm xanh thương phẩm, theo người nuôi ở xã Cam Bình, loại 3 - 4 con/kg khoảng 520 - 530 ngàn đ/kg.

Anh Nguyễn Văn Hậu, một người nuôi tôm hùm xanh ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình cho biết, dù giá tôm rớt thấp nhưng người bán được, người không. Hiện việc bán tôm của người dân phải xếp hàng. Gia đình anh Hậu còn 19 lồng tôm xanh, ước trên dưới 1 tấn cũng đang chờ lượt xuất bán.

Hộ nuôi gần bên nhà anh Hậu, ông Trần Minh vừa bán 7 lồng tôm xanh, tổng số tiền thu được chỉ 90 triệu đồng. Trong khi cùng thời điểm mọi năm giá tôm dao động trên dưới 700 ngàn đ/kg, mỗi lồng ông Minh xuất bán từ 30 - 40 triệu. Ông Minh buồn bã nói: Do tôm bị hao hụt nhiều cộng với bán giá thấp nên lỗ nặng.

Chủ tịch xã Cam Bình cho biết thêm, nếu giá tôm xanh thương phẩm khoảng 650 ngàn đ/kg, thì bà con xuất bán cũng lỗ.

Vì thời gian qua tôm nuôi của người dân cứ lai rai hao hụt. Nguyên nhân, một phần do giá tôm thấp, người nuôi cung cấp thức ăn không đủ, nên sức đề kháng con tôm yếu. Mặt khác, do thu mua lựa bắt tôm loại 1, loại bỏ tôm loại 2 - 3 thả xuống nuôi lại nên cũng bị ảnh hưởng.

Vẫn loay hoay tìm đầu ra

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, vừa qua báo chí nỗ lực đưa tình trạng tiêu thụ tôm hùm gặp khó khi xuất sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ. Nhiều cuộc giải cứu tôm hùm tại thị trường nội địa đã đẩy giá tôm hùm lên 600 – 650 ngàn đ/kg. Tuy nhiên sau lại có thông tin việc đẩy giá tôm hùm chỉ làm lời cho nhà buôn. Giá tôm lại hạ, người nuôi lại gặp khó.

Tôm hùm lại không bán được - Ảnh 2.

Hiện nay các thương lái thu mua tôm hùm xuất sang Trung Quốc số lượng không nhiều. Ảnh: Kim Sơ.

Về tình hình xuất tôm sang thị trường Trung Quốc, một số doanh nghiệp thu mua trên địa bàn TP Cam Ranh, cho biết, từ ngày 26/2 một số đơn vị đã thu mua tôm hùm cho người nuôi.

Tuy nhiên hiện thị trường này vẫn ăn chậm. Do đó, ít nhất khoảng 50% doanh nghiệp thu mua tôm xuất sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn vẫn chưa hoạt động.

Đại diện Cty TNHH Hải sản Bình Thơm cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, từ khi các cửa khẩu Việt - Trung thông quan đến nay, Cty cũng chỉ xuất được khoảng 10 xe tôm sang Trung Quốc (mỗi xe chỉ 1,7 tấn). Như vậy là rất ít so với những ngày bình thường trước đây.

“Hiện nay bên Trung Quốc quán xá, chợ vẫn chưa mở nhiều. Nhiều vùng vẫn cách ly, dân chưa ra đường nên tôm ăn chậm lắm”, đại diện doanh nghiệp nói.

Về trước mắt giúp người nuôi tiêu thụ tôm, theo ông Sơn, địa phương tiếp tục vận động doanh nghiệp tăng cường tìm đầu ra.

Trong khi đó, ngành thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi cần bình tĩnh, thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi lưu giữ, tránh bán ồ ạt với giá thấp để thua lỗ. Đồng thời, người nuôi cần hạn chế thả nuôi trong tình hình hiện nay.

Về lâu dài, theo ông Võ Khắc Én, để phát triển tôm hùm bền vững, Chi cục Thủy sản tiếp tục hướng dẫn người nuôi theo đúng quy hoạch của tỉnh và có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.

Song song đó, hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ.

Theo ông Sơn, để phát triển tôm hùm bền vững, nhà nước nên chủ động có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu gom xuất tôm hùm chính ngạch, để có sự ràng buộc về hợp đồng kinh tế. Chứ lâu này tôm hùm chủ yếu đi tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên các tư thương tự buôn bán với nhau, thiếu bền vững.


Kim Sơ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.