|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tôm hùm cỡ lớn giảm, người nuôi lỗ nặng

14:30 | 01/11/2024
Chia sẻ
Người nuôi tôm hùm xanh tại Phú Yên, Khánh Hòa gặp khó khăn khi hàng cỡ lớn (từ 0,4 kg trở lên) tiêu thụ chậm, giá bán thấp hơn loại nhỏ, dẫn đến lỗ nặng.

Anh Hùng, một người nuôi tôm lâu năm ở Cam Bình (Cam Ranh, Khánh Hòa), cho biết chưa bao giờ hàng cỡ lớn lại khó bán và rớt giá như hiện nay. Những năm trước, loại có trọng lượng từ 0,4 kg trở lên luôn được các thương lái săn đón vì là hàng tuyển chọn (loại 1) thịt chắc, ngọt, phù hợp cho xuất khẩu và phân phối vào các cửa hàng hải sản cao cấp. Tuy nhiên, nay thương lái chỉ mua loại này với số lượng nhỏ giọt, giá rẻ.

Hiện tôm hùm xanh cỡ lớn trên 0,4 kg một con có giá từ 680.000-700.000 đồng một kg (trước đây là 1,2-1,4 triệu đồng), trong khi loại nhỏ (0,2-0,3 kg một con) lại có giá cao hơn, dao động 750.000-800.000 đồng. Đây là nghịch lý mà người nuôi không thể lý giải được.

Ông Tuấn, một hộ có 50 lồng tôm tại khu vực lân cận, cho biết với mức giá thấp như hiện nay, gia đình ông lỗ khoảng 700 triệu đồng.

Tôm nuôi tại Hợp tác xã tôm hùm Sông Cầu. Ảnh: Quang Đoàn

Không chỉ ở Cam Ranh, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Sông Cầu (Phú Yên). Người nuôi tại đây lo lắng vì giá hải sản này phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nơi đang có sự biến động lớn về nhu cầu. Nếu bán theo giá hiện tại, mỗi lồng nuôi tôm hùm tại Sông Cầu có thể lỗ từ 15-20 triệu đồng.

Nhiều hộ dân cho biết suốt bốn tháng qua, giá loại này chỉ quanh mức 700.000 đồng một kg. "Đáng nói, tôm hùm cỡ lớn lại rẻ hơn loại nhỏ, khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa", một người nuôi tôm lo lắng nói.

Ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, cho hay hơn một năm nay, nhiều người ngưng nuôi tôm hùm bông và chuyển sang tôm hùm xanh với mong muốn tiêu thụ tốt hơn. Tuy nhiên gần đây, thương lái lại thay đổi cách thu mua, khiến người nuôi gặp khó.

"Tại 25 hộ nuôi trong hợp tác xã, 50% sản lượng tôm đạt trọng lượng trên 0,4 kg một con nhưng khó bán, trong khi loại nhỏ lại tiêu thụ tốt hơn" ông Quang cho biết. Đây là tình trạng chưa từng xảy ra, khiến bà con lo lắng ngay trong mùa thu hoạch.

Ngoài khó khăn về tiêu thụ, ông Quang cho rằng chi phí đầu vào cũng đang tăng cao. Từ thức ăn đến con giống nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar đều tăng giá, trung bình mỗi hộ nuôi tại Sông Cầu lỗ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, nói 700 hộ nuôi tại đây lao đao suốt thời gian qua. Giá tôm hùm xanh đang có dấu hiệu nhích lên, nhưng vẫn chỉ dao động quanh mức 800.000 đồng một kg, chưa đủ để người nuôi có lãi.

Các công ty xuất khẩu cho biết năm nay do kinh tế suy thoái, người tiêu dùng nội địa và Trung Quốc giảm chi tiêu, kéo theo việc tiêu thụ hải sản này gặp khó. Để khắc phục tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc, các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch sang nhiều quốc gia khác.

Riêng tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, ông Quang cho biết đang làm thủ tục để đưa tôm hùm xanh xuất chính ngạch sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông cũng kỳ vọng dịp Tết Nguyên đán tới, sức mua tôm hùm trên thị trường nội địa sẽ tăng trở lại, giúp bà con giảm bớt khó khăn, thua lỗ.

 

Thi Hà

ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
Theo các chuyên gia từ ADB, hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.