|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Toàn cảnh gần 20 ngày chống dịch COVID-19 của Bắc Giang

15:38 | 27/05/2021
Chia sẻ
Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Bắc Giang là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề và trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước.

Kể từ khi bùng phát dịch thứ 4, tính đến sáng ngày 26/5, Việt Nam có tổng số bệnh nhân COVID-19 là 2873 ca. Trong đó, tỉnh Bắc Giang đứng đầu và trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước với 1454 ca mắc COVID-19 trên địa bàn.

Toàn cảnh cuộc chiến COVID-19 của Bắc Giang - Ảnh 1.

Trung bình mỗi ngày, tỉnh Bắc Giang ghi nhận hơn 80 ca mắc COVID-19 mới. (Nguồn: Bộ Y tế. Biểu đồ: Phương Trang).

Đáng chú ý hơn là dịch lan chân tới các khu công nghiệp (KCN) điều này khiến tỉnh Bắc Giang càng khó khăn hơn trong việc ứng phó, dẫn tới nguy cơ đứt gãy sản xuất. Tỉnh Bắc Giang đã phải đóng cửa 4/6 KCN, kéo theo đó là 136.000 công nhân và 340 nhà máy phải tạm dừng sản xuất.

Tính đến chiều 26/5, Bắc Giang đã thực hiện cách ly xã hội 6/9 huyện trực thuộc; giãn cách xã hội TP Bắc Giang; phong tỏa 157 thôn, tổ dân phố và 4 xã, phường, thị trấn; giãn cách xã hội 31 xã, phường, thị trấn và 18 thôn, tổ dân phố.

1.520 ca F0 - 630.000 mẫu xét nghiệm

Vào ngày 8/5, Bắc Giang ghi nhận ca bệnh đầu tiên mang số 3167, là người nhà của một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Sau đó, số ca bệnh tại Bắc Giang liên tục tăng nhanh. Đặc biệt, Bắc Giang là tỉnh thành đầu tiên trên cả nước phải đối diện với tình trạng dịch bệnh bùng phát trong các KCN.

Ngày 25/5, số ca mắc tại tỉnh đạt "báo động đỏ" với 375 ca dương tính. Các ca này được phát hiện nhờ tổng lực tăng tốc xét nghiệm trong 3 ngày qua mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang và các lực lượng y tế đã triển khai tại tất cả các khu công nghiệp, các nhà máy và khu lưu trú của công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Ngày 26/5, BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang đã triển khai lấy mẫu và xét nghiệm bằng test phát hiện nhanh COVID-19 cho 19.000 công dân hiện đang sinh sống, tạm trú, cư trú trên địa bàn thôn Núi Hiểu, thôn Tam Tầng, Quang Châu và thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (huyện Việt Yên).

Chỉ sau hơn 18 ngày kể từ ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên, đến 18h ngày 26/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1.520 ca bệnh chủ yếu tại 3 ổ dịch tại xã Phương Sơn (huyện Lục Nam), KCN Vân Trung, KCN Quang Châu.

Tính đến hết ngày 25/5, toàn tỉnh đã lấy được 636.764 mẫu, riêng trong ngày 25/5 đã lấy thêm được 35.990 mẫu; đã chạy được 591.604 mẫu. Hiện nay còn 9.032 mẫu gộp với tổng 45.160 mẫu đơn chưa có kết quả.

Toàn cảnh cuộc chiến COVID-19 của Bắc Giang - Ảnh 1.

Dịch bệnh lan chân đến các KCN khiến tỉnh Bắc Giang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. (Ảnh: Việt Linh/ Zing).

Hoạt động sản xuất công nghiệp vốn là mũi nhọn của Bắc Giang cũng bị đình trệ. Ngày 18/5, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định 4 KCN là Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Song Khê – Nội Hoàng phải tạm dừng hoạt động.

Tại phiên họp sáng 18/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ vấn đề trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bắc Giang chính là tốc độ xét nghiệm chưa theo kịp tốc độ lấy mẫu.

Chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch trong KCN cho nên lần này tại Bắc Giang chúng ta phải mạnh dạn áp dụng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm thành các quy trình, hướng dẫn phòng, chống dịch để hướng dẫn sớm cho các khu công nghiệp trên cả nước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Trước tình hình dịch có diễn biến ngày càng phức tạp, tính đến nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành cách ly xã hội với 5 huyện (Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Lục Nam, Yên Thế); đối với thành phố Bắc Giang thực hiện giãn cách xã hội.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện đã bố trí 12 khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân dương tính, công suất hơn 3.000 giường; hoàn thành triển khai đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng với một số trang thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện Phổi.

Sáng ngày 25/5, Bệnh viện dã chiến số 2 nằm ở Nhà thi đấu tỉnh có 620 giường cũng đã lắp xong và đủ điều kiện đưa vào hoạt động.

Toàn cảnh cuộc chiến COVID-19 của Bắc Giang - Ảnh 3.

Bệnh viện dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang với công suất 628 giường bệnh vừa hoàn thành sau 5 ngày thi công. (Ảnh: Zing).

4 KCN đóng cửa - 340 nhà máy - 136.000 công nhân tạm dừng sản xuất

Ca F0 đầu tiên trong KCN được phát hiện tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam thuộc KCN Vân Trung, huyện Việt Yên. Cũng chính từ thời điểm này, tỉnh Bắc Giang phải đối mặt với số F0, F1 tăng lên từng ngày. Từ ổ dịch này đã lan sang các địa điểm khác và hình thành ổ dịch nguy hiểm hơn tại Công ty Hosiden thuộc KCN Quang Châu, huyện Việt Yên.

Trước khi đi đến quyết định tạm dừng 4 trên 6 KCN, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành họp với doanh nghiệp, bàn bạc các giải pháp. Sau khi đã xét nghiệm gần 140.000 công nhân, sàng lọc ca nhiễm đưa đi điều trị, tiến hành truy vết, không để công nhân trở về quê thì lúc này tỉnh mới tiến hành tạm dừng hoạt động 4 KCN.

Bởi nếu Bắc Giang đóng cửa quá sớm thì hàng chục nghìn công nhân sẽ vội vã trở về quê trong khi chưa được xét nghiệm, sàng lọc thì nguy cơ bùng phát dịch ra các tỉnh/thành khác sẽ càng lớn hơn. Bắc Giang đã chấp nhận rủi ro cho tỉnh nhưng an toàn cho cả nước.

Bắc Giang đã có sự lựa chọn rất khó khăn và hầu như không còn sự lựa chọn nữa. Làm như vậy, đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro cho Bắc Giang nhưng an toàn cho cả nước.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Có nhiều nguyên nhân khiến số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Giang tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt là các ổ dịch bùng phát ở các KCN bởi đây là nơi tập trung số lượng lớn công nhân.

Tỉnh Bắc Giang có khoảng 240.000 công nhân đến từ 57 tỉnh thành, làm việc trong 6 khu công nghiệp trên địa bàn. Chỉ tính riêng 2 KCN Quang Châu và Vân Trung đã thu hút hơn 160.000 lao động thuộc 14 tỉnh/thành, trong đó Vân Trung có hơn 90.000 người.

Việc tập trung quá dày công nhân ở một nơi, đồng thời nơi làm việc và khu trọ nằm sát tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Bắc Giang, nơi có hàng trăm xe khách đi Lạng Sơn đón trả khách, làm tăng khả năng lây nhiễm dịch trên diện rộng.

Hơn nữa, đợt dịch lần này tại Bắc Giang do chủng virus Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh. Các phân xưởng của nhà máy trong các khu công nghiệp ở đây đa số là làm việc phòng kín, bật điều hòa - môi trường thuận lợi cho virus phát tán. Một công nhân trong phân xưởng làm việc cùng hàng trăm người khác nên số lượng F0 và F1 đều nhiều.

Toàn cảnh cuộc chiến COVID-19 của Bắc Giang - Ảnh 4.

Sáng 26/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đi kiểm tra một số điểm cách ly, phong tỏa ở Bắc Giang. (Ảnh: VGP).

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phê bình Ban Quản lý KCN tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện Việt Yên do chậm trễ, lúng túng trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam.

Ngày 14/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 nhận định tốc độ kiểm soát dịch bệnh Bắc Giang chậm hơn dự kiến, một trong những nguyên nhân là tốc độ xét nghiệm chậm, chưa đáp ứng tốc độ lấy mẫu, truy vết.

Hiện tại, Bắc Giang cũng đang phải dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, cách ly hơn 60.000 công nhân của 57 tỉnh, thành phố ngay và hàng chục nghìn người dân khác trong vùng cách ly, phong toả.

Bộ đã tính toán kịch bản 3.000 người nhiễm tại Bắc Giang, tức là số mắc còn tăng, nhưng phải dập bằng được dịch tại Bắc Giang, nếu không thì coi là thất bại

Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế

Theo báo cáo của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang tại cuộc họp khẩn với Bộ Y tế chiều 25/5, số bệnh nhân chắc chắn sẽ còn tăng, bởi hiện tại còn hơn 50.000 mẫu nguy cơ cao chưa xét nghiệm. Đặc biệt hơn, tỷ lệ F1 âm tính trở thành dương tính rất cao. Riêng tại Công ty SJ Tech ở KCN Vân Trung, tỷ lệ chuyển từ âm tính sang dương tính là 79%. Tại Công ty Hosiden, tỷ lệ này là 55%.

Bắc Giang đối mặt 3 khó khăn lớn

Thứ nhất, trước tình hình diễn biến phức tạp, Bắc Giang cần phải dốc hết sức để khống chế dịch bệnh, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt nhất là các khu vực xung quanh KCN bởi đây là nơi tập trung rất nhiều công nhân.

Khi dịch bệnh tiến triển xấu, chính quyền cách ly xã hội với những khu lưu trú của công nhân thì kéo theo đó sẽ là hàng nghìn công nhân phải nghỉ việc ở nhà. Đồng thời, nếu thời gian cách ly kéo dài cũng sẽ gây nên tình trạng khó khăn về cung cấp lương thực, thực phẩm chăm lo đời sống cho người dân.

Thứ hai, dịch bùng phát lần này trong KCN với đặc thù nhiều nhà máy lớn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bắc Giang phải cố gắng để đạt được "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả vừa khôi phục nền kinh tế. Nếu đứt gãy chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp ở Bắc Giang thì sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của cả nước.

Toàn cảnh cuộc chiến COVID-19 của Bắc Giang - Ảnh 8.

Tình hình dịch bệnh kéo dài khiến tỉnh Bắc Giang phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. (Ảnh: Thanh niên).

Mới đây một tờ báo quốc tế nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến các công ty chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chuyển hướng mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam. Chính bởi thế, nếu tình hình dịch bệnh tại KCN Bắc Giang kéo dài đồng nghĩa với việc có thể khiến chuỗi cung ứng dịch chuyển trở lại Trung Quốc.

Ví dụ như, nếu các doanh nghiệp phụ trợ của Samsung Bắc Giang đóng cửa thì Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi không có đủ sản phẩm đầu vào. Vừa chống dịch vừa khởi động lại chuỗi sản xuất là vấn đề lớn và chưa có địa phương nào có kinh nghiệm nên tỉnh Bắc Giang sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong thời gian này.

Bên cạnh đó, cùng với nhiệm vụ phòng chống dịch, Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch vải thiều với sản lượng khoảng 180.000 tấn, thời gian thu hoạch chỉ trong một tháng. Bối cảnh dịch bệnh phức tạp, để tiêu thụ sản lượng vải thiều lớn trong thời gian ngắn là điều vô cùng khó khăn. Làm sao để vừa chống dịch, vừa tiêu thụ hàng hóa là thách thức không hề nhỏ đối với tỉnh Bắc Giang.

Vừa chống dịch vừa lên kế hoạch tái sản xuất

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của dịch COVID-19, song trong quý I năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Giang vẫn trên đà phục hồi với nhiều kết quả tích cực, ước tính đạt 17.69% cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp của làn sóng COVID-19 thứ 4, tỉnh Bắc Giang đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cứ mỗi ngày doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động là sẽ có hàng chục tỷ đồng doanh thu biến mất, hàng nghìn người không có việc làm, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy phía sau.

Trước tình hình đó, Bắc Ninh đã phối hợp với Bắc Giang để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho Samsung)… đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Toàn cảnh cuộc chiến COVID-19 của Bắc Giang - Ảnh 6.

Bắc Giang đang triển khai thí điểm tổ chức lại hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong các KCN. (Ảnh: VGP).

Đến ngày 20/5, dịch bệnh tạm thời trong tầm kiểm soát, Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh cho phép các nhà cung ứng cấp 1 (vender) của công ty Samsung tại Bắc Giang đang cung ứng cho Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên được quay trở lại sản xuất nếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Tiếp đó, chiều 25/5, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định lập kế hoạch tổ chức tái sản xuất cho 8 doanh nghiệp tại 4 KCN gồm: Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng. Theo đó, các doanh nghiệp này được tỉnh xây dựng mô hình thí điểm sẽ hoạt động trở lại vào ngày 28/5 tới đây.

Theo lãnh đạo tỉnh, việc này nhằm đưa Bắc Giang sang giai đoạn mới vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn. Đồng thời, giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội; từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động, tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu mà nhiều doanh nghiệp tại Bắc Giang đang là mắt xích quan trọng.

Với 180.000 tấn vải thiều đang vào vụ, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các kịch bản cụ thể cho mùa vụ vải thiều năm 2021 nhằm tiêu thụ nông sản bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Hôm 26/5, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành đưa 20 tấn vải sang thị trường Nhật Bản.

Phương Trang