|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tròn một tháng làn sóng COVID-19 mới 'đổ bộ' Việt Nam: Hơn 3.000 ca nhiễm, trung bình hơn 100 ca một ngày

08:24 | 27/05/2021
Chia sẻ
Tròn một tháng Việt Nam đối mặt làn sóng COVID-19 mới, lần đầu tiên bênh viện tuyến đầu điều trị COVID-19 tuyên bố tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm nCoV, lần đầu tiên COVID-19 lan trong KCN khiến hàng nghìn công nhân tạm dừng sản xuất, đồng thời các biện pháp chống dịch lần này mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 1.

Hà Nội vắng vẻ sau lệnh đóng cửa hàng quán từ 12h ngày 25/5. (Ảnh: Giang Trịnh).

Tròn 1 tháng làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 3.027 ca lây nhiễm cộng đồng ở 30 tỉnh, thành, trung bình mỗi ngày phát hiện hơn 100 bệnh nhân mới, cao điểm có ngày ghi nhận đến 400 ca. 

Hoàn toàn khác ba đợt dịch trước đó, dịch lần này diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn. Lần đầu tiên, Việt Nam rơi vào trạng thái dịch COVID-19 xâm nhập cùng lúc với nhiều ổ dịch, nguồn lây nhiễm và biến chủng.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 2.

Trong ba đợt dịch trước đó Việt Nam từng xảy ra sự việc lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện ở Đà Nẵng, tuy nhiên làn sóng dịch thứ 4 tấn công vào nhiều bệnh viện hơn với mức độ nghiêm trọng hơn.

Trong 9 ngày từ 5/5 có tới 9 bệnh viện phải thực hiện cách ly y tế, phong tỏa gồm: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Quân Y 105, BV K, BV Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng đều ở Hà Nội; BV Đa khoa Phúc Yên ở Vĩnh Phúc, BV Da liễu Trung ương Quỳnh Lập Nghệ An; Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng); BV Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Lần đầu tiên bệnh viện tuyến đầu điều trị COVID-19 - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải tuyên bố tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm nCoV.

Đáng chú ý Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là ổ dịch có tốc độ lây nhiễm nhanh do hàng nghìn người từ các địa phương đã đến điều trị hoặc chăm người thân. Chỉ trong vòng ba ngày từ hôm phát hiện cùng lúc 14 ca dương tính nCoV, ổ dịch này ghi nhận hàng chục ca mắc mới, liên quan 15 tỉnh, thành phố. Đến nay chuỗi lây nhiễm tại bệnh viện này về cơ bản đã được kiểm soát.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 3.

Binh chủng Hóa học phun khử trùng tiêu độc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh: TTXVN).

Trong vòng 24 ngày từ 29/4 – 21/5, Hà Nội về cơ bản đã kiểm soát được hai ổ dịch lớn nhất liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K, song đến ngày 22/5, thành phố đối mặt thách thức lớn hơn khi một ổ dịch mới với nhiều ca bệnh tăng liên tục và chưa rõ nguồn lây. 

Ca bệnh đầu tiên của chuỗi lây nhiễm tại Times City và Công ty T&T là nam sinh 11 tuổi học trường VinSchool. Sau đó, bố mẹ và em trai của nam sinh này cũng được xác định dương tính nCoV. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi mẹ của bệnh nhân, làm việc tại Công ty T&T đã tiếp xúc với nhiều người. Đến nay, số bệnh nhân liên quan chuỗi lây nhiễm này đã tăng lên 37 người, đa phần là nhân viên Công ty T&T.  

Làn sóng dịch thứ 4 cũng lần đầu tiên khiến nhiều nhân viên buộc phải tạm thời ở lại cơ quan do các ca nghi mắc COVID-19 như cán bộ nhân viên Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Thuế. Trong khi đó, trụ sở của Công ty T&T số 2A Phạm Sư Mạnh hiện vẫn đang phong tỏa và toàn bộ nhân viên tại đây được yêu cầu nghỉ tại nhà làm việc.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 4.

Trong khi Hà Nội vừa khoanh vùng được ổ dịch này, lại xuất hiện thêm ổ dịch mới, thì Bắc Giang, Bắc Ninh cũng phải căng mình chống dịch trong cả khu công nghiệp (KCN) và ngoài cộng đồng.

Lần đầu tiên Bắc Giang buộc đóng cửa 4 trong 6 KCN trên địa bàn kéo theo hàng trăm doanh nghiệp và 136.000 công nhân tạm dừng sản xuất, cũng là lần đầu tiên 4.000 công nhân của một công ty được tính luôn là F1 và chuyển đi cách ly tập trung.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 5.

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. (Ảnh: Duy Linh/ Báo Nhân dân).

Hiện tại, các ca nhiễm mới liên quan đến KCN vẫn tăng ở mức cao, chủ yếu trong khu cách ly, phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) và với khoảng 4.000 công nhân của công ty này đang cách ly, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới.

Đáng chú ý, gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong KCN, vì vậy, tỉnh đang tập trung phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, khu vực nhà trọ công nhân.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 6.

Lực lượng phòng hóa Quân khu 1 phun khử khuẩn tại KCN. (Ảnh: Đức Trọng/ Báo Bắc Giang).

Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đang tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho khoảng 60.000 công nhân ở 61 tỉnh, thành phố làm việc tại 4 KCN đang tạm thời đóng của.

Trong khi đó ở Bắc Ninh – nơi có 10 KCN tập trung và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 450.000 công nhân vừa đưa ra giải pháp chưa từng có tiền lệ là khuyến khích công nhân ở lại nhà máy tối thiểu 15 ngày một đợt.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết việc bố trí cho công nhân, người lao động ăn, ở tại nhà máy là bảo vệ sự an toàn cho doanh nghiệp, bảo đảm chuỗi sản xuất, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người lao động.

Hiện tỉnh Bắc Ninh ghi nhận dịch COVID-19 ở một số doanh nghiệp lớn như Công ty Samsung Electronics, Công ty TNHH Canon Việt Nam... và có trên 50.000 lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch.

Cũng giống như Bắc Giang, Bắc Ninh vừa kiểm soát dịch trong KCN, vừa phải ứng phó với các ổ lây nhiễm mới trong cộng đồng. Đêm 23/5, Bắc Ninh phát hiện 1 chùm ca bệnh trong cộng đồng, với 17 ca ở xã Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành). Ngay sau đó, ngành y tế lập tức làm xét nghiệm cho 1.300 người ở thôn và toàn xã Nguyệt Đức cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 5.

Trong suốt 1 tháng với hơn 3.000 ca nhiễm COVID-19 trong nước, có những ngày nước ta ghi nhận ca nhiễm cao kỷ lục, như hôm 25/5 công bố 444 ca mới, trong đó riêng ở Bắc Giang là 375 ca.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 6.

Biểu đồ số ca nhiễm COVID-19 trong nước từ 27/4 đến 26/5. (Nguồn. Bộ Y tế. Biều đồ: Alex Chu).

Nói về con số cao chưa từng thấy này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết phải hết sức bình tĩnh, vì các ca bệnh đều nằm trong khu giãn cách xã hội, trong các nhà máy đã được cách ly. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – ông Lê Ánh Dương cũng khẳng định hàng trăm ca F0 "đã nằm trong dự tính".

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp đầu tháng 5 - "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa", Việt Nam dồn tổng lực xét nghiệm, nhờ vậy các ca dương tính mới được phát hiện nhanh hơn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chủ động tấn công nghĩa là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm ca bệnh. Đồng thời, phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết.

Tính riêng ở Bắc Giang, từ khi phát hiện ca đầu tiên hôm 8/5 đến nay, tỉnh đã thực hiện hơn 630.000 mẫu xét nghiệm, trung bình mỗi ngày thực hiện khoảng 35.000 mẫu.

Còn theo thống kê của Sở Y tế Bắc Ninh, tỉnh này từ đợt dịch thứ 4 đã lấy gần 394.000 mẫu xét nghiệm. Như vậy tính từ ngày ghi nhận ca nhiễm đầu tiên (5/5) đến nay, trung bình tỉnh lấy khoảng hơn 18.000 mẫu, gấp nhiều lần so với con số trung bình 400 mẫu/ ngày hồi đợt dịch tháng 7/2020.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương mua vắc xin một cách nhanh nhất để tiêm trên diện rộng cho nhân dân. (Ảnh: VGP).

Cùng với việc xét nghiệm thần tốc ở các điểm nóng của dịch, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 17/5, Thủ tướng chỉ đạo "mua vắc xin COVID-19 là cấp bách, phải thực hiện ngay". Chưa đầy một ngày sau, Thủ tướng ban hành Nghị quyết về mua vắc xin COVID-19 với tinh thần "khẩn trương mua vắc xin một cách nhanh nhất để tiêm trên diện rộng cho nhân dân".

Qua việc COVID-19 lây lan trong KCN, Thủ tướng cũng đã bổ sung thêm công nhân, người lao động vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19.

Về vấn đề vắc xin, Bộ Y tế cho biết đang nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã nhận được cam kết khoảng 110 triệu liều vắc xin cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí.

Bên cạnh những chỉ đạo khẩn trương, Thủ tướng còn yêu cầu cá nhân hóa trách nhiệm trong phòng, chống dịch; xem xét trách nhiệm, kể cả xử lý hình sự, đối với các cá nhân, tập thể vi phạm quy định, để lây lan dịch bệnh COVID-19. 

Người đứng đầu Chính phủ luôn kịp thời biểu dương những đơn vị tích cực trong chống dịch nhưng cũng không ngại thẳng thắn phê bình những nơi còn yếu kém, lơ là, chủ quan trong ứng phó đại dịch.

Tròn một tháng COVID-19 'đổ bộ' Việt Nam và những điều chưa từng có tiền lệ - Ảnh 10.

Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch lần này, song, lãnh đạo TP cho biết chưa tính đến giãn cách xã hội. (Ảnh: Giang Trịnh).

Làn sóng dịch thứ 4 được đánh giá là nguy hiểm với nhiều diễn biến khó lường, dù vậy, Chính phủ khẳng định chiến lược chống dịch "hoàn toàn không thay đổi". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp gần đây nhắc lại phương châm chống dịch 5 bước gồm: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực. Phó Thủ tướng cũng nhiều lần khẳng định chưa cần thiết giãn cách xã hội toàn quốc.

Còn với các tỉnh, thành có số ca bệnh cao nhất cả nước, Bí thư Hà Nội cho biết chưa tính đến phong tỏa toàn thành phố, Chủ tịch Bắc Giang thông tin đã có phương án sẵn sàng cách ly xã hội toàn tỉnh, nhưng chưa áp dụng ở thời điểm này, bởi các ca bệnh mới đều nằm trong dự tính.

Anh Đào