|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam: Đa ổ dịch, đa nguồn lây nhưng chống dịch bình tĩnh

13:57 | 11/05/2021
Chia sẻ
Tốc độ lây nhiễm của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 nhanh hơn do Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với nhiều ổ dịch từ các nguồn lây khác nhau. Dù vậy, các biện pháp chống dịch lần này được đánh giá là bình tĩnh hơn và vẫn hiệu quả.
Làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam: Đa ổ dịch, đa nguồn lây nhưng chống dịch bình tĩnh  - Ảnh 1.

Làn sóng dịch thứ 4 được đánh giá là phức tạp hơn nhiều so với ba đợt dịch trước đó. (Ảnh: AP).

Ngày 29/4, Việt Nam đối mặt làn sóng dịch thứ 4 khi một người đàn ông Hà Nam được xác định mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly. Ngay sau đó, chuỗi lây nhiễm từ người này xuất hiện ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong khi dồn sức truy vết, khoanh vùng ổ dịch bắt nguồn từ bệnh nhân Hà Nam, Việt Nam cùng lúc đối mặt nhiều chùm lây nhiễm khác từ Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Làn sóng dịch thứ 4 được đánh giá là phức tạp hơn nhiều so với ba đợt dịch trước đó.

Tốc độ lây lan nhanh, xuất hiện ở nhiều địa phương cùng lúc

Tính từ 27/4 đến nay đến 7h ngày 11/5, có tổng cộng 486 ca COVID-19 trong cộng đồng được ghi nhận.

Khác với 3 đợt dịch lần trước, làn sóng COVID-19 thứ 4 xuất hiện ở nhiều địa phương cùng lúc. Chỉ trong 10 ngày, Việt Nam đối mặt cùng lúc 5 ổ dịch. Những cụm lây nhiễm này nhanh chóng lan ra các tỉnh, thành. Đến nay đã có 26 tỉnh, thành xác nhận có COVID-19.

Làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam: Đa ổ dịch, đa nguồn lây nhưng chống dịch bình tĩnh  - Ảnh 2.

Từ 27/4 đến nay, dịch COVID-19 đã lan ra 26 tỉnh thành. Biểu đồ thể hiện số ca lây nhiễm cộng đồng. (Nguồn: Bộ Y tế. Đồ họa: Alex Chu).

Ổ dịch đầu tiên ở Hà Nam, bắt nguồn từ người đàn ông mắc COVID-19 sau khi hết cách ly ở Đà Nẵng. Người này là nguồn lây cho nhiều ca bệnh khác tại tỉnh Hà Nam, TP HCM, Hà Nội và Hưng Yên.

Đến ngày 2/5, ổ dịch tại quán bar Sunny (Vĩnh Phúc) được phát hiện với 6 bệnh nhân ban đầu là nhân viên quán. Đây cũng là nơi chuyên gia Trung Quốc mắc COVID-19 đã ghé qua. Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa những ngày sau đó ghi nhận các ca mắc liên quan đến ổ dịch.

Cụm dịch ở Đà Nẵng liên quan đến quán bar New Phương Đông. Ngoài ra Đà Nẵng cũng ghi nhận một bệnh nhân chưa rõ nguồn lây là nhân viên bán vé khu vực Spa tại khách sạn Phú An, quận Hải Châu.

COVID-19 tiếp tục tấn công vào hai bệnh viện là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện K. Hiện, vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới liên quan hai ổ dịch này.

Đợt dịch khó khăn nhất, số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục

Hôm qua 10/5, lần đầu tiên Bộ Y tế có "bản tin COVID-19" vào buổi trưa – thông báo thêm 31 ca cộng đồng. Trước đó bản tin sáng của Bộ cho biết Việt Nam có thêm 78 bệnh nhân. Đến tối, nước ta ghi nhận thêm 16 ca nữa. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay – 125 ca.

Làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam: Đa ổ dịch, đa nguồn lây nhưng chống dịch bình tĩnh  - Ảnh 3.

Số ca mắc COVID-19 cộng đồng từ ngày 29/4 đến 10/5. (Nguồn: Bộ Y tế. Đồ họa: Alex Chu).

Dù là ngày ghi nhận ca nhiễm kỷ lục trong 4 đợt dịch, nhưng theo báo cáo của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 chiều 10/5, đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tốt, phần lớn các ca bệnh đều xác định được nguồn lây.

Làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát tại Việt Nam được đánh giá là khó khăn, phức tạp hơn. Một trong những lý do là có sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh và Ấn Độ. Biến chủng B.1.617 ở Ấn Độ chứa 2 đột biến có tốc độ lây lan nhanh và khả năng "lẩn tránh" được sự tấn công của hệ miễn dịch. Trong khi đó, biến chủng B.117 từ Anh là loại được cảnh báo có khả năng lây nhiễm cao gấp 70% so với chủng cũ.

Theo kết quả giải trình tự gene, virus lưu hành tại ổ dịch ở Vĩnh Phúc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là biến chủng Ấn Độ B.1.617.2; biến chủng từ Anh ghi nhận ở ổ dịch Hà Nam, quán bar New Phương Đông ở Đà Nẵng.

Không giãn cách xã hội tràn lan, biện pháp chống dịch bình tĩnh hơn

Làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam: Đa ổ dịch, đa nguồn lây nhưng chống dịch bình tĩnh  - Ảnh 4.

Xe đặc chủng phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) vào chiều 6/5. (Ảnh: PV).

Hôm qua 10/5, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng tái khẳng định không có chuyện phong tỏa, giãn cách tiêu cực, dù thủ đô đang có số bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất trong đợt dịch này.

Trong đợt dịch lần 1, cả nước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (chỉ có các cửa hàng thiết yếu được mở cửa) bắt đầu từ 1/4/2020 - khi đó cả nước có 74 ca lây nhiễm cộng đồng.

Đợt dịch thứ 2 với tâm dịch là Đà Nẵng, thành phố quyết định giãn cách theo Chỉ thị 16 chỉ sau ba ngày phát hiện ca đầu tiên.

Ở đợt dịch thứ 3, sau khi Bộ Y tế công bố 82 ca lây nhiễm cộng đồng (Hải Dương 72 ca, Quảng Ninh 10 ca) vào trưa 28/1/2021, Hải Dương ngay lập tức giãn cách xã hội.

Ở đợt dịch này, Thái Bình giãn cách xã hội vào ngày 6/5 theo Chỉ thị 15, Quảng Ngãi giãn cách xã hội từ 12 giờ ngày 7/5 theo Chỉ thị 16. Nhiều tỉnh, thành khác thực hiện các biện pháp giãn cách tại có khu vực có ca nhiễm. Hà Nội, Bắc Ninh – hai tỉnh thành ghi nhận nhiều bệnh nhân đều chưa áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đà Nẵng với ổ dịch từ quán bar New Phương Đông lan ra một số địa phương khác cũng tương tự.  Ở Vĩnh Phúc, thành phố Vĩnh Yên giãn cách xã hội từ 7/5 và Phúc Yên ngày 10/5 đề nghị giãn cách xã hội toàn thành phố.

Có thể thấy đợt dịch lần thứ 4 phức tạp hơn nhưng các biện pháp phòng chống dịch được đánh giá là bình tĩnh, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp ngày 10/5 đề nghị tất cả các tỉnh khi có dịch thì rất bình tĩnh, có các giải pháp thực sự cần thiết, không làm xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động kinh tế hơn mức cần thiết.

"Với những nơi chưa có dịch, không được lơ là, chủ quan bởi người mang mầm bệnh đã có trong cộng đồng, trong điều kiện giao thông thuận lợi thì bất kỳ chỗ nào cũng có thể bùng phát dịch", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Anh Đào

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.