|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước mua ròng gần 1.600 tỷ đồng tuần VN-Index vượt 1.350 điểm, tâm điểm nhóm ngân hàng và thép

08:00 | 19/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần 13 - 17/9, tổ chức trong nước đã có sự thay đổi vị thế ở ngành ngân hàng, họ trở lại mua ròng trong bối cảnh nhóm cổ phiếu 'vua' đã tạo đáy thành công và đang được chú ý khi ngày mở cửa kinh tế đang ngày một gần hơn.

Tuần 13 - 17/9 có nhiều sự kiện quan trọng của thị trường trong tháng 9, bao gồm phiên đáo hạn phái sinh ngày 16/9 và phiên review danh mục quý III của các quỹ ETF ngoại vào ngày 17/9, tuy nhiên VN-Index lại khá yên ả trong tuần với mức biến động không quá 0,5% mỗi phiên.

Tính chung cả tuần, chỉ số sàn HOSE đã tăng 7,33 điểm, tương đương 0,54% so với cuối tuần trước, chốt phiên tại 1.352,64 điểm. Như vậy, thị trường tuần qua đã chinh phục thành công ngưỡng tâm lý 1.350 điểm sau nhiều lần thử thách thất bại.

Gần như toàn bộ điểm số của VN-Index trong tuần được đóng góp bởi MSN khi cổ phiếu này tăng 12,3% giúp VN-Index tăng 5,2 điểm. Trong nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index, nổi bật có DGC với mức tăng 21% trong tuần và đóng góp 1,2 điểm cho VN-Index.

Trong khi đí, cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa, có tên trong cả hai nhóm ảnh hưởng tích cực (VPB, TPB) và tiêu cực (VCB, CTG, ACB và MBB).

Trong tuần VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.350 điểm, giao dịch từ tổ chức trong nước có phần khởi sắc khi nhóm này đảo chiều gom ròng 1.594 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Như vậy dòng tiền của tổ chức nội cùng với các cá nhân trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đã cân lại lực bán ròng khớp lệnh gần 3.900 tỷ đồng của khối ngoại.

Tổ chức trong nước mua ròng gần 1.600 tỷ đồng tuần VN-Index vượt 1.350 điểm, tâm điểm nhóm ngân hàng - Ảnh 1.

Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước giải ngân trở lại nhóm ngân hàng sau chuỗi bán ròng

Dòng tiền đầu tư của tổ chức trong nước được nới rộng trong tuần 13 - 17/9 với 10/18 ngành được mua ròng.

Trong đó, cổ phiếu của các nhà băng được tổ chức nội ưu tiên giải ngân với giá trị mua ròng mạnh nhất gần 595 tỷ đồng. Ở đây, tổ chức trong nước đã có sự thay đổi vị thế ở ngành ngân hàng, họ trở lại mua ròng trong bối cảnh nhóm cổ phiếu 'vua' đã tạo đáy thành công và đang được chú ý khi ngày mở cửa kinh tế đang ngày một gần hơn.

Trước diễn biến khởi sắc của cổ phiếu thép và công ty chứng khoán, lực cầu từ các tổ chức trong nước đã gia tăng đáng kể tại hai ngành này. Theo đó, nhóm tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính lần lượt ghi nhận giá trị vào ròng đạt 558 tỷ và 177 tỷ đồng. Dòng tiền tổ chức nội còn tìm đến cổ phiếu các nhóm công nghệ thông tin, du lịch & giải trí, thực phẩm & đồ uống...

Tổ chức trong nước mua ròng gần 1.600 tỷ đồng tuần VN-Index vượt 1.350 điểm, tâm điểm nhóm ngân hàng - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức nội theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tại chiều bán ra, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục dẫn đầu về giá trị bán ròng. Tuy vậy, quy mô rút vốn đã giảm đáng kể từ 1.946 tỷ đồng tuần trước còn 310 tỷ đồng tuần này. Giao dịch đồng thuận với tổ chức nội, NĐT nước ngoài cũng bán ròng gần 1.967 tỷ đồng ngành bất động sản trong khi cá nhân trong nước và tự doanh gom mua.

Tương tự, nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp cũng bị NĐT tổ chức trong nước rút ròng 145 tỷ đồng sau nhịp gom ròng tuần trước. Hoạt động rút ròng còn diễn ra ở nhóm hóa chất, xây dựng & vật liệu, bảo hiểm, điện, nước, xăng dầu & khí đốt...

Tập trung gom HPG, TPB

Thống kê giao dịch theo từng mã, danh mục được tổ chức trong nước tập trung rót vốn tuần 13 - 17/9 chủ yếu là các cổ phiếu trong rổ VN30. Cụ thể, HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu với giá trị mua ròng lên tới 530,9 tỷ đồng.

Trong tuần qua, cổ phiếu HPG tăng chưa tới 1% so với tuần trước trong khi nhiều cổ phiếu ngành thép khác lần lượt phá đỉnh lịch sử để leo lên các mốc cao mới như HSG, NKG, TLH...

Trở lại giao dịch của tổ chức trong nước, cổ phiếu TPB của TPBank được nhóm này mua ròng mạnh thứ hai, bỏ xa những cổ phiếu còn lại trong Top10 với giá trị 442 tỷ đồng.

Đà tăng giá của cổ phiếu TPB trở thành điểm sáng giao dịch của nhóm ngân hàng từ đầu tháng 9 trong bối cảnh loạt cổ phiếu ngành này lao dốc. Tuần qua, thị giá TPB ghi nhận mức tăng 9,1% qua 4 phiên tăng và một phiên đứng tham chiếu. Trong phiên cuối tuần, mã này đã bật mạnh 5,6% lên 40.800 đồng/cp, qua đó phá đỉnh lịch sử hồi đầu tháng 7.

Tổ chức trong nước còn mua ròng trên trăm tỷ các mã SSI, TCB, VJC và FPT. Ngoài ra, dòng tiền nhóm này còn hướng đến các cổ phiếu VPB, VNM, HDG, PNJ với giá trị 52 - 88 tỷ đồng.

Tổ chức trong nước mua ròng gần 1.600 tỷ đồng tuần VN-Index vượt 1.350 điểm, tâm điểm nhóm ngân hàng và thép - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 13 - 17/9. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tại chiều bán ròng, VHM của Vinhomes chịu áp lực xả lớn nhất từ tổ chức trong nước với giá trị 136,2 tỷ đồng.

Liên quan đến giao dịch VHM, Viking Asia Holdings II Pte.Ltd, quỹ thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) vừa cho biết đã hoàn tất bán ra 31,96 triệu cổ phiếu của Vinhomes từ ngày 19/8 đến ngày 14/9, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,5% xuống 4,6% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.

Một cổ phiếu khác cũng bị tổ chức nội rút ròng trên trăm tỷ là NVL của Novaland. Cùng chiều, tổ chức trong nước cũng rút ròng mạnh khỏi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa như CSV (56,7 tỷ đồng), PVT (52 tỷ đồng), HAH (52 tỷ đồng), SCR (51,1 tỷ đồng) và SSB (45,7 tỷ đồng) và IJC (45,6 tỷ đồng).

Hai mã đứng cuối trong Top 10 bán ròng của khối này là VCB và VRE với giá trị lần lượt là 29,4 tỷ và 26,7 tỷ đồng.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.