|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua bán ra sao tuần ETF ngoại cơ cấu danh mục (13 - 17/9)?

07:00 | 18/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần (13 - 17/9), giao dịch tái cơ cấu của ETF cùng các nhà đầu tư ngoại khác đẩy mức bán ròng tại HOSE lên trên mức 4.200 tỷ đồng, tập trung ở nhiều bluechips và chứng chỉ FUEVFVND. Tại HNX, nhóm này gom ròng hơn 700 tỷ đồng chủ yếu nhờ giao dịch mua gom cổ phiếu THD của Thaiholdings.

VN-Index thành công vượt ngưỡng 1.350 điểm trong tuần ETF ngoại hoàn tất cơ cấu danh mục

Sau hai phiên đầu tuần giao dịch giằng co và điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên, thị trường có dấu hiệu hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba (15/9) và tiến triển khá thuận lợi trong hai phiên tái cơ cấu cuối tuần của ETF ngoại.

Trong phiên thứ Sáu (17/9), cả VN-Index và VN30-Index đều ở mức đỉnh cao nhất ngày ngay trước phiên ATC. Sức ép từ lệnh bán của các ETF ngoại trong phiên đóng cửa khiến VN-Index phải trả lại hơn 3 điểm, VN30-Index trả lại 3,5 điểm, nhưng nhìn chung hai chỉ số vẫn tăng điểm.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 38 của năm 2021 tăng 7,33 điểm (0,54%) thành công vượt ngưỡng 1.350 điểm và đóng cửa ở 1.352,64 điểm.

Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 21.038 tỷ đồng, giảm 6,46% so với tuần trước đó. Mặc dù dòng tiền có phần suy yếu nhưng thị trường vẫn biến động tích cực cho thấy sức ép bán ra không nhiều.

Tuần 13 - 17/9: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên HOSE nhưng tích cực gom mua tại HNX trong tuần ETF ngoại cơ cấu danh mục - Ảnh 1.

Giao dịch của NĐT nước ngoài qua kênh khớp lệnh sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Tiếp tục xu hướng trong tuần trước, khối ngoại bán ròng với tổng giá trị 4.220 tỷ đồng tại HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 3.871 tỷ đồng. Giao dịch của hai quỹ ETF ngoại tập trung vào hai phiên cuối tuần đẩy mức rút ròng vượt trội so với thời gian còn lại

Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản bị bán ròng nhiều nhất hơn 1.967 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với lực xả trong tuần trước. Nối tiếp, lực rút tập trung ở bộ ba "bank, chứng, thép", phần lớn là do giao dịch trong kỳ ETF tái cơ cấu với quy mô rút ròng lần lượt là 386 tỷ, 618 tỷ và 303 tỷ đồng.

Giao dịch nghiêng mạnh về chiều bán khiến khối ngoại chỉ còn mua ròng tại 4 nhóm vốn hóa vừa và nhỏ gồm hóa chất, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông. Lực mua có phần khiêm tốn khi đều dưới mức 50 tỷ đồng.

Tại HOSE: Giao dịch tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips, tâm điểm là VIC, HPG, VCB

Thống kê tại sàn HOSE, khối ngoại bán ròng với tổng giá trị 4.220 tỷ đồng, trong đó bán qua khớp lệnh 3.871 tỷ đồng.

Giao dịch rút ròng tập trung nhiều nhất tại mã VIC của Tập đoàn Vingroup. Mã này bị bán ròng 1.553 tỷ đồng khớp lệnh, cá biệt trong phiên 16/9 bị xả ròng lên tới 12,9 triệu đơn vị. Theo dự đoán của FiinPro, bên nắm giữ đủ số cổ phiếu bán ra có thể là SK Investment Vina II Pte. Ltd hiện với 200 triệu cp VIC, và Credit Suisse giữ 48,3 triệu cp.

Trong phiên cuối tuần, VIC tiếp tục bị xả gần 2,2 triệu đơn vị trong phiên ATC, tụt xuống mức 86.800 đồng và giảm 1,14% so với tham chiếu.

Đến với giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND của quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND bị bán ròng 366 tỷ đồng (hơn 14,1 triệu đơn vị), tập trung trong phiên thứ Sáu. Các ETF không nắm giữ chứng chỉ này nên đây có thể là hành động rút vốn của nhà đầu tư ngoại. Tuy vậy, lực cầu đối ứng giúp FUEVFVND vẫn đóng cửa tăng 3,98%.

Nhiều cổ phiếu bluechips khác cũng chịu sức ép bán mạnh như HPG (294 tỷ đồng), VCB (271 tỷ đồng), SSI (249 tỷ đồng), NVL (245 tỷ đồng), STB (236 tỷ đồng). Ngoài VCB đánh mất sắc xanh, các mã còn lại đều giữ được sắc xanh sau khi đóng cửa tuần.

khối ngoại - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, VND của Chứng khoán VNDirect là mã được mua ròng nhiều nhất 173 tỷ đồng. Mã này ghi nhận giao dịch tương đối tích cực khi liên tục được nhà đầu tư ngoại mua ròng kể từ khi trở lại giao dịch tại HOSE từ ngày 6/9 và tăng thêm 7,31% giá trị.

Kế tiếp, dòng vốn ngoại tập trung tại SAB của Sabeco (132 tỷ đồng), DIG của DIC Corp (97 tỷ đồng) và DGC của Hóa chất Đức Giang (76 tỷ đồng). Lực mua tại các cổ phiếu trên chủ yếu đến từ quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF sau khi chính thức được thêm vào rổ MVIS Vietnam Index.

Trên sàn HNX: Khối ngoại mua ròng hơn 700 tỷ đồng, tập trung gom THD của Thaiholdings

Thống kê tại HNX, khối ngoại mua vào với giá trị 1.107,8 tỷ đồng và bán ra với giá trị 370,73 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên sàn này hơn 737 tỷ đồng.

Dẫn đầu tại chiều mua là giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu THD, PVS, SHS sau khi được thêm vào rổ chỉ số của MVIS sau nhiều kỳ không xem xét các mã thuộc sàn HNX.

Cụ thể, cổ phiếu THD của Thaiholding được mua ròng 2,6 triệu đơn vị, PVS được mua ròng 3,2 triệu cp, còn SHS là 1,3 triệu cp. Xét về giá trị, múc giá "khủng" của THD khiến mã này dẫn đầu với quy mô mua ròng gần 600 tỷ đồng. THD kết tuần với 5 phiên tăng giá liên tiếp, có thêm 2,41% giá trị so với phiên mở cửa.

Nối tiếp là PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam với 91 tỷ đồng, còn SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội được mua ròng 54,2 tỷ đồng. Theo sau, các mã được vào ròng nhẹ còn có CEO, EID, VCS,...

Theo thông báo từ PVS, công ty sẽ trả cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Ngày đăng ký cuối cùng là 28/9, dự kiến thanh toán vào ngày 28/10.

khối ngoại - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại bên bán, một số mã bị bán ròng chủ yếu là PLC (5,8 tỷ đồng), API (4,5 tỷ đồng), BII (3,5 tỷ đồng), VNR (3 tỷ đồng)...

Theo thông báo từ API, cổ đông lớn nhất là Lucerne Enterprise Ltd đã bán thỏa thuận toàn bộ 7,4 triệu cp trong phiên 9/9 để thoái vốn khỏi API. Cũng trong ngày, cổ đông lớn khác là ASEAN Deep Value Fund cũng bán ra hơn 5,3 triệu đơn vị, đưa tỷ lệ sở hữu từ 15,7% xuống 0,7%.

Trong bối cảnh có sự thay đổi quyền lực, giá cổ phiếu API đã bật tăng tăng trần trong hai phiên gần đây, dừng lại ở 40.500 đồng/cp và tăng 80% so với thời điểm đầu tháng 9.

Tại UPCoM: Tiếp tục xu hướng mua ròng trong những tuần trước

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại vẫn chưa chấm dứt chuỗi mua ròng từ tháng 8 khi tiếp tục giải ngân ròng thêm 147 tỷ đồng.

Cụ thể, QNS của Đường Quảng Ngãi dẫn đầu danh sách hút vốn với 108 tỷ đồng. Theo số liệu từ QNS sau 8 tháng đầu năm, công ty đạt mức doanh thu 5.128 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế là 860 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và thực hiện 78% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Nối tiếp, khối ngoại mua ròng hơn 30,6 tỷ đồng cổ phiếu ACV trước những thông tin tích cực về khả năng dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có VTP, BSR, CLX...

Tuần 13 - 17/9: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên HOSE nhưng tích cực gom mua tại HNX trong tuần ETF ngoại cơ cấu danh mục - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều bán, cổ phiếu HPP của Cảng Hải Phòng bị rút ròng mạnh nhất 3,8 tỷ đồng, theo sau là VEA (2,9 tỷ đồng), VGI (2,7 tỷ đồng)...Nhìn chung, quy mô rút ròng của khối ngoại tại UPCoM đã giảm đáng kể so với tuần trước đó.

Thảo Bùi