|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổ chức đại hội cổ đông qua mạng: Cách doanh nghiệp thích nghi với đại dịch

14:58 | 19/03/2020
Chia sẻ
Tuân thủ các khuyến cáo y tế về tránh các buổi tụ tập đông người, nhiều công ty đại chúng trên thế giới đã quyết định sẽ tổ chức ĐHCĐ trực tuyến. Một số nhà đầu tư nổi tiếng từng phản đối tổ chức đại hội qua mạng, cho rằng làm vậy sẽ cản trở khả năng chất vấn ban lãnh đạo công ty của các cổ đông.
Xu hướng tổ chức họp ĐHĐCĐ trực tuyến trong thời COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên Walmart trong một buổi họp cổ đông thường niên vào ngày 1/6/2018. Ảnh: Getty Images

Trước những khuyến cáo hạn chế các sự kiện đông người của các cơ quan y tế trong thời đại dịch COVID-19, nhiều công ty đại chúng trên thế giới đã quyết định lựa chọn tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) trực tuyến. 

Mùa tổ chức ĐHCĐ của Mỹ kéo dài từ tháng 4 cho đến hết tháng 7. Để chuẩn bị cho khoảng thời gian này, hàng nghìn công ty đại chúng đã sẵn báo cáo tài chính và các tài liệu sẽ cần đến trong cuộc họp. 

Luật pháp tại hầu hết quốc gia bắt buộc các công ty đại chúng tổ chức họp ĐHCĐ để cổ đông biểu quyết chính sách và những vấn đề quan trọng của công ty.

Trong những năm gần đây, ĐHCĐ của những doanh nghiệp lớn như Exxon Mobil, Wells Fargo và Facebook đã trở thành điểm đến yêu thích của những nhà hoạt động xã hội. Họ tận dụng những buổi họp này để kêu gọi các công ty lớn và cổ đông tham gia chống biến đổi khí hậu và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi vì COVID-19. Trong tuần này, Ngân hàng Citigroup và Bank of America thông báo đang cân nhắc vài phương án họp cổ đông khác nhau tùy theo diễn biến của đại dịch.

Trong khi đó, Starbucks quyết định sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 18/3 do "những lo ngại về y tế cộng đồng".

Ông Chuck Callan, Giám đốc điều hành của công ty cung cấp giải pháp giao tiếp với cổ đông Broadridge Financial Solutions cho biết: "Rất nhiều công ty hỏi chúng tôi về kế hoạch dự phòng cho ĐHCĐ".

Năm ngoái, Broadridge đã hỗ trợ 300 công ty tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến. Broadridge cho biết hiện đã có hàng chục công ty liên lạc với họ để xin tư vấn về cách thức tiến hành.

Hôm 13/3, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nói rằng các công ty tổ chức họp ĐHCĐ "ảo" không cần gửi lại báo cáo mới về địa điểm tổ chức tới cơ quan quản lí này. Các công ty chỉ cần tổ chức họp báo và đăng thông tin về địa điểm mới trên mạng. 

Không chỉ Mỹ, dịch COVID-19 cũng gây ảnh hưởng đến việc tổ chức ĐHCĐ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã có công văn xin hoãn thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2020, nhưng đều cam kết sẽ tổ chức thực hiện trước kì hạn cuối là ngày 30/6 theo Luật Doanh nghiệp 2014.

Những cái tên lớn trong danh sách lùi ngày họp ĐHCĐ gồm có CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Chứng khoán SSI, Digiworld, Thế Giới Di Động, FPT Retail….

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã trình lên lãnh đạo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm triển khai dịch vụ biểu quyết điện tử phục vụ ĐHCĐ của các công ty đại chúng.

Tổ chức đại hội cổ đông qua mạng: Cách doanh nghiệp thích nghi với đại dịch - Ảnh 2.

Thế Giới Di Động (MWG) khảo sát ý kiến cổ đông về việc dời lịch họp đại hội cổ đông. Ảnh chụp màn hình.

Còn tại Mỹ, theo ông Callan - Giám đốc điều hành của Broadridge Financial Solutions, nhiều khả năng các cơ quan quản lí nước này sẽ có các động thái mới trong thời gian kế tiếp.

9 bang của Mỹ, bao gồm New York bắt buộc các công ty phải tổ chức ĐHCĐ với sự tham gia trực tiếp của cổ đông, hoặc tổ chức họp mặt bổ sung cho buổi họp trực tuyến.  

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các nhóm vận động cho quyền lợi cổ đông thường phản đối việc họp ĐHCĐ qua mạng. Họ lập luận rằng các cuộc họp kiểu này khiến cho cổ đông không thể đối chất trực tiếp với các giám đốc và ban lãnh đạo công ty.

Năm ngoái, nhà đầu tư theo trường phái chủ động John Chevedden đã kêu gọi các cổ đông bỏ phiếu bãi nhiệm ba giám đốc của General Motors vì hãng sản xuất ô tô này quyết định chỉ tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến.

Ông Chevedden là một nhà đầu tư nổi tiếng, thường xuyên có mặt tại các cuộc họp cổ đông nhằm trực tiếp đưa ra đề xuất tới các giám đốc và HĐQT của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đề xuất của ông Chevedden đã không thể đẩy các giám đốc của GM khỏi ghế lãnh đạo. Sau này, GM thông báo rằng hình thức tổ chức mới đã khuyến khích nhiều cổ đông tham gia cuộc họp hơn.

Có 125 cổ đông tham gia họp ĐHCĐ trực tuyến của GM trong năm 2019. Trong khi đó, trung bình, tại các buổi họp được tổ chức tại địa điểm thực, con số này là 35.

Trong quá khứ, ông Scott Stringer, người quản lí 216 tỉ USD quĩ lương hưu của New York đã đe dọa sẽ bỏ phiếu chống đối với thành viên HĐQT những công ty chỉ tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến.

Tuy nhiên, trước diễn biến của COVID-19, ông Stringer cho biết sẽ không phản đối việc họp qua mạng, với điều kiện là các công ty này cam kết tổ chức các buổi họp mặt trực tiếp với cổ đông trong tương lai.

Ông Stringer nói với Bloomberg Law: "Dĩ nhiên, sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu".

Phần lớn cổ đông theo phong cách chủ động mong rằng xu hướng họp trực tuyến này sẽ chỉ là tạm thời.

Ông James McRitchie, một cổ đông theo phong cách chủ động nổi tiếng cho biết: "Một trong những mối nguy của các cuộc họp trực tuyến là ban quản lí công ty có thể sẽ bỏ qua và không trả lời câu hỏi của cổ đông".

Ông McRitchie nói rằng bản thân ông ủng hộ một mô hình "lai" giữa họp qua mạng và gặp mặt trực tiếp: một phần nội dung cuộc họp ĐHCĐ vẫn nên được biểu quyết và bàn luận tại địa điểm thực – hoặc gần với các cổ đông nhất có thể.

Ông nói: "Lí tưởng nhất là các cổ đông vẫn có thể nhìn thấy và trao đổi với nhau, thậm chí là tại các cuộc họp trực tuyến". 

Giang