|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TNG lãi 182 tỷ đồng sau 10 tháng

11:59 | 22/11/2023
Chia sẻ
Các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn dù thị trường đang vào mùa cao điểm cuối năm.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố báo cáo tài chính riêng tháng 10/2023 với doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 568 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện 17,6% so với mức 15,4% cùng kỳ. Kết quả, TNG báo lãi sau thuế hơn 18,4 tỷ đồng, giảm 29% so với tháng 10/2022.

Lũy kế 10 tháng, doanh thu thuần đạt 6.007 tỷ đồng, lãi sau thuế 182 tỷ, lần lượt tăng 3% và giảm 29% so với cùng kỳ.

TNG cho biết, hoạt động xuất khẩu chiếm 98% doanh thu của công ty, chủ yếu là xuất sang các nước Mỹ (47%), Pháp (15%), Tây Ban Nha (7%), Nga (6%),… 

 Nguồn: Tổng hợp từ TNG.

Trước TNG, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) cũng ước tính kết quả tháng 10 chưa khả quan với doanh thu đạt 11,44 triệu USD (khoảng 275 tỷ đồng), giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 45% xuống 439.000 USD (10,5 tỷ đồng).

Luỹ kế 10 tháng đầu năm, TCM ghi nhận 116,3 triệu USD (2.793 tỷ đồng) doanh thu, giảm 26% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần 7,1 triệu USD (171 tỷ đồng), giảm 27%.

TCM cho biết, quý IV thường là giai đoạn chuẩn bị cho lễ hội và Tết nhưng năm nay, nhu cầu mua sắm và đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước do tình hình kinh tế khó khăn và phục hồi chậm. Tính đến cuối tháng 10, công ty vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm.

Kết quả của những doanh nghiệp dệt may nói trên đặt trong bối cảnh tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt hơn 33 tỷ USD trong 10 tháng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên sang tháng 10, tình hình đã khả quan hơn với kim ngạch đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 9 và tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhìn chung, các thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng dệt may đều có xu hướng giảm trong thời gian qua, đơn cử như thị trường EU, lượng đơn hàng giảm do các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas,… đã giảm mạnh.

Tại hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất kinh doanh năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, khó khăn với ngành dệt may Việt Nam có thể kéo dài đến năm 2024 khi còn những yếu tố bất lợi như suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ.

Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex nhận định, tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến cải thiện hơn so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 5 -7% so với năm 2022.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng, xuất khẩu dệt may trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ từng bước cải thiện nhờ một số động lực từ tăng trưởng kinh tế ở các thị trường trọng điểm, hàng tồn kho giảm.

Minh Hằng