TNG thu hơn 6.000 tỷ đồng trong 10 tháng
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố doanh thu tiêu thụ tháng 10 đạt 570 tỷ đồng, giảm 5% so với tháng 9, tăng nhẹ (1 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu tiêu thụ của công ty đạt 6.007 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu chiếm 98% (5.887 tỷ đồng) chủ yếu sang các nước Mỹ (47%), Pháp (15%), Tây Ban Nha (17%), Nga (6%)…
Năm 2023, TNG đặt mục tiêu doanh thu 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 299 tỷ đồng. Sau 10 tháng, doanh nghiệp may ở Thái Nguyên đã thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may, xơ sợi đạt 28,3 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý III, nhiều doanh nghiệp dệt may trên sàn như TNG, CTCP Garmex Sài Gòn (Mã: GMC), Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (Mã: HTG), CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM)... đều báo lợi nhuận "đi lùi" do sức tiêu thụ yếu và thị trường xuất khẩu chưa phục hồi.
Tại hội nghị thảo luận phương hướng sản xuất kinh doanh năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, khó khăn với ngành dệt may Việt Nam có thể kéo dài đến năm 2024 khi còn những yếu tố bất lợi như suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ.
Do vậy, các doanh nghiệp phải thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, đồng thời tìm cơ hội từ thị trường Mỹ, nâng cao năng suất, phát triển những mặt hàng mới.
Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex nhận định, tổng cầu hàng dệt may 2024 dự kiến cải thiện hơn so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 5-7% so với năm 2022.