|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận 9 tháng của Dệt may Thành Công (TCM) bằng 50% cùng kỳ

22:17 | 21/10/2023
Chia sẻ
Riêng quý III, Dệt may Thành Công báo lãi sau thuế hơn 54 tỷ, giảm 42% so với quý III/2022 và thấp hơn nhiều so với mức ước tính công ty công bố trước đó.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) cho thấy doanh thu thuần đạt hơn 919 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp thu hẹp từ 17,5% cùng kỳ về 15,1% quý này.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Công ty báo lợi nhuận sau thuế hơn 54 tỷ, giảm 42% so với quý III/2022, thấp hơn nhiều so với mức ước tính công ty công bố trước đó (khoảng 105 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Dệt may Thành Công hơn 2.510 tỷ đồng và lãi sau thuế 111 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và 50% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và 45% mục tiêu lợi nhuận năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Dệt may Thành Công cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Á chiếm 56% trong đó Hàn Quốc là 17,7%, Trung Quốc là 16,01%, Nhật là 10,77% , Thái Lan là 6,1%. Tiếp đến thị trường châu Mỹ chiếm 42,1% trong đó Mỹ là 33%, Canada là 8,3%.

Về tình hình đơn hàng, công ty cho biết chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và vẫn hoạt động chưa tối đa công suất. Hiện tại, Dệt may Thành Công mới nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý IV/2023 và đang nhận đơn hàng cho quý I/2024.

Về thị trường chung, trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may, xơ sợi của Việt Nam đạt 28,3 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia cho rằng xu hướng thị trường quý IV có những chuyển biến tích cực khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất trong tháng 9 mà lùi xuống cuối năm.

Thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam cho thấy đang phục hồi tốt trong bối cảnh chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ và Trung Quốc đều trên 50 điểm, lạm phát EU tháng 9 đã hạ xuống 4,3%...

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng biên lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may sẽ tiếp tục thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện, biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Tại cuối tháng 9, tổng tài sản của Dệt may Thành Công hơn 3.275 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 31% với 1.020 tỷ đồng, giảm 17% sau một quý. Các khoản phải thu ngắn hạn gần 405 tỷ, tăng 48% s với cuối tháng 6, trong đó trích lập hơn 69 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Lượng tiền, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn khoảng 654 tỷ, ngoài ra công ty còn đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết và đơn vị khác hơn 13 tỷ.

Ở phía nguồn vốn, dư nợ đi vay là 806 tỷ, phần lớn là vay nợ ngắn hạn từ ngân hàng và tổ chức khác, giảm 10% so với cuối tháng 6. Vốn chủ sở hữu gần 1.988 tỷ, với vốn góp là 820 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 666 tỷ đồng.

Minh Hằng