|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty con của Vingroup đã vượt 72% kế hoạch lợi nhuận năm

20:00 | 21/10/2023
Chia sẻ
Nguồn thu từ hoạt động tài chính là động lực chính giúp VEFAC lãi lớn 9 tháng đầu năm.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF) cho thấy doanh thu thuần đạt 247 triệu đồng, bằng cùng kỳ năm ngoái, hoàn toàn đến từ hoạt động cho thuê và không ghi nhận doanh thu từ cung cấp dịch vụ tổ chức triển lãm hội chợ.

Giá vốn 3,5 tỷ khiến công ty tiếp tục lỗ gộp. Nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính (lãi trái phiếu, tiền gửi, tiền cho vay), công ty thoát lỗ và báo lãi sau thuế 116 tỷ đồng, tăng 53%. Tại cuối quý III, tiền và khoản đầu tư trái phiếu của công ty hơn 1.688 tỷ đồng.

Đây không phải quý đầu tiên mà doanh nghiệp thường xuyên lãi lớn từ nguồn thu từ hoạt động tài chính nhiều năm qua.

Nguồn thu từ hoạt động tài chính thường giúp VEFAC vẫn có lãi sau thuế dù kinh doanh dưới giá vốn. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty).  

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VEFAC đạt gần 3 tỷ, lãi sau thuế xấp xỉ 344 tỷ, tăng lần lượt 278% và 56% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm, VEFAC đã vượt 72% chỉ tiêu lợi nhuận và mới đạt 30% mục tiêu doanh thu.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của VEFAC gần 8.913 tỷ đồng, tăng 215 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn và dài hạn hơn 4.192 tỷ đồng, hầu hết là cho vay các đối tác doanh nghiệp với lãi suất vay 12%/năm và có đảm bảo bằng tài sản.

Hàng tồn kho ở mức gần 1.221 tỷ đồng, đây là các khoản chi phí liên quan đến việc đầu tư dự án Khu đô thị mới tại xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bên cạnh đó báo cáo ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 1.794 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý III/2023. 

VEFAC đi vay 589 tỷ đồng tại ngày 30/9, giảm 443 tỷ sau một quý. Đây là khoản vay ngắn hạn với Ngân hàng Techombank, lãi suất 8,6% cho năm đầu tiên.

Ngoài ra, công ty có khoản phải trả khác hơn 5.191 tỷ đồng, chủ yếu từ Tập đoàn Vingroup (4.900 tỷ).

Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của VEFAC hơn 2.985 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 1.314 tỷ và 1.666 tỷ đồng vốn góp. Tập đoàn Vingroup là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 83,3%, số còn lại thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các cổ đông khác. 

Minh Hằng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.