Tình hình dịch nóng lên ở miền Trung và Nam: Bình Thuận giãn cách xã hội, Phú Yên có 8 ca nghi nhiễm
Việt Nam hiện đang phải ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 phức tạp nhất từ trước tới nay. Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam hiện đã có 10.694 ca nhiễm COVID-19, dịch lây lan trên 45 tỉnh thành.
Phú Yên có 8 trường hợp F1 dương tính COVID-19
sáng 24/6, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh ghi nhận thêm 8 ca nghi nhiễm SARS-CoV-2, trong đó TP Tuy Hòa ghi nhận 6 ca, TX Đông Hòa ghi nhận 2 ca. Tất cả đều là F1, liên quan đến bệnh nhân N.T.Y.
Bệnh nhân N.T.Y (BN13960) là chủ quán cơm Yến Nam ở thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, Phú Yên (nhà riêng tại đường Trần Phú, phường 2, TP Tuy Hòa). Bệnh nhân này có nhà riêng tại TP Nha Trang ở đường Bửu Đóa, phường Phước Long và từng về đây ngày 22/6.
Về nguồn lây của bệnh nhân này, CDC tỉnh Khánh Hòa cho biết qua điều tra bước đầu, quán cơm Yến Nam là nơi nam bệnh nhân mắc COVID-19 số 12190, tài xế xe tải đi từ TP HCM ra Đà Nẵng, ghé lại ăn cơm lúc 12h ngày 10/5 và 19h ngày 11/6.
Những người được xác định là F1 của BN12190 bao gồm 7 người. Cụ thể, quán có 4 nhân viên phục vụ, một nhân viên quản lý, một nhân viên giữ xe. Ngoài ra, bà N.T.Y đã được xác định dương tính, các trường hợp F1 còn lại đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với trường hợp bệnh nhân N.T.Y, hiện đã xác định được 66 F1, gồm 6 người làm ở quán cơm, 6 người nhà, 7 người tại thị xã Đông Hòa, 22 người tại Phòng khám đa khoa Đức Tín và 25 người tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Phú Yên.
Liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2, Phòng khám Đa khoa Đức Tín đã tạm dừng hoạt động từ chiều 23/6 và tiến hành khử khuẩn. Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tạm thời ngưng tiếp nhận bệnh nhân vào chiều cùng ngày để điều tra dịch tễ, khử khuẩn các khu vực có liên quan, lấy mẫu tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có mặt tại bệnh viện để xét nghiệm.
Bình Thuận áp dụng Chỉ thị 15 sau khi phát hiện ca nghi nhiễm là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Vào lúc 0h30, ngày 24/6, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc họp khẩn để chỉ đạo phương án phòng chống dịch COVID-19 sau khi địa phương này xuất hiện một trường hợp nghi nhiễm. Theo đó, bệnh nhân Q.T.B. (38 tuổi) là bác sĩ Khoa Sản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận quyết định áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 12h ngày 24/6. Tạm dừng hết hoạt động ngoài trời như tắm biển, thể thao, vui chơi giải trí, các hàng quán thực hiện bán mang về, bán tại chỗ không quá 10 người, giảm thiểu các cuộc họp không cần thiết.
Bên cạnh đó, liên quan đến ca nhiễm, tỉnh cũng quyết định tạm đóng cửa bệnh viện tỉnh ba ngày để lấy mẫu xét nghiệm người nhà ra vào bệnh viện, bệnh nhân, nhân viên... Cùng ngày bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm 55 trường hợp đã có kết quả âm tính 54 trường hợp. Tỉnh cũng đang khẩn trương tiến hành xét nghiệm toàn bộ 266 bệnh nhân và nhân viên người nhà bệnh nhân.
Bình Dương: Xuất hiện nhiều ca lây nhiễm tại các doanh nghiệp, công ty
Từ ngày 27/5 đến nay Bình Dương ghi nhận 164 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, chủ yếu liên quan đến các ổ dịch ở TP HCM, với biến thể Delta, loại được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Đồng thời, dịch đã xuất hiện trong một số doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp và lây lan sang nhà trọ và vào các nhà máy khác.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch diễn ra vào ngày 23/6, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, tỉnh đang tập trung xử lý hai chuỗi lây nhiễm lớn, phức tạp, một tại phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) với 20 ca và tại Công ty Việt Nam House Wares (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) với 86 ca do đến nay chưa xác định được nguồn lây.
Bình Dương có 29 KCN, trên 1,2 triệu lao động, trong đó 500.000 người làm việc trong KCN. Nhiều nhà máy, DN của Bình Dương nằm đan xen trong khu dân cư nên việc lây nhiễm rất phức tạp. Hiện Bình Dương đang cách ly tập trung hơn 3.000 người và có phương án tăng năng lực cách ly từ 10.000 lên 30.000 người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh đã phong tỏa phường Tân Phước Khánh với 50.000 dân. Ngoài ra, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP Thuận An, thị xã Tân Uyên và 4 phường Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa, Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một).
TP HCM vẫn ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng
Với 26 bệnh nhân COVID-19 được công bố vào sáng ngày 24/6, số ca nhiễm tại TP HCM trong đợt dịch lần thứ 4 đã tăng lên 2.098 ca, hiện xếp thứ hai cả nước về số ca nhiễm COVID-19, chỉ sau Bắc Giang. Trong đó: 2.140 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 243 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly.
Tính đến sáng ngày 24/6, hiện TP HCM đã phát hiện hơn 1.300 ca dương tính COVID-19 thông qua khám sàng lọc ở bệnh viện và những người liên tới các ca này. TP HCM vẫn đang tiếp tục điều tra, khoang vùng, xác minh các trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
Chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng đã được kiểm soát, các ca dương tính mới liên quan đến ổ dịch này đều được phát hiện trong khu cách ly. Liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hiện đã có 89 trường hợp nhiễm COVID-19.
Các chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện như: xưởng cơ khí ở Hóc Môn, chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, chuỗi vựa ve chai quận 1, chuỗi công ty Kim Minh Quận 5, công ty thực phẩm Trung Sơn… đang tiếp tục được điều tra, truy vết, khoanh vùng, giám sát chặt.
Vào ngày 19/6 vừa qua, TP HCM cũng đã tiến hành triển khai chiến dịch tiêm chủng đợt 4 với 836.000 liều (bao gồm 50.000 liều dành cho công an và quân đội). Chiến dịch dự kiến kết thúc trước ngày 26/6.