Tin tức Thời sự 30/9: Ai chịu trách nhiệm sai phạm của Khu LHTT Mỹ Đình, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu loạt sản phẩm
1. Giày Sài Gòn bị kiến nghị thu hồi hàng nghìn m2 đất
Dù không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại khu "đất vàng" của nhà nước ở 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10 nhưng Công ty CP Giày Sài Gòn (GSG) sau khi được TPHCM giao quản lý đã lấy khu đất này cho Công ty TNHH Thành Bưởi và Công ty CP Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam thuê lại để làm nhà kho và bến bãi.
Ngày 28/9, UBND quận 10 cho biết đã có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị xem xét việc chấm dứt cho GSG thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong đồng thời kiến nghị TP giao khu đất này về UBND quận quản lý và sử dụng.
2. Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2050
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đươg đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km gồm 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven.
3. Ai chịu trách nhiệm sai phạm của Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình?
Từ một chủ trương đúng của Chính phủ nhưng do cách triển khai trái quy định của Khu LHTTQG Mỹ Đình đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong quản lý đất đai. Bên cạnh nguy cơ thất thoát tiền của nhà nước, Khu LHTTQG Mỹ Đình còn đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”.
Khu LHTTQG Mỹ Đình đang nợ hàng chục tỉ đồng tiền thuế. |
Tại cuộc làm việc với Tổng cục TDTT và Khu LHTTQG Mỹ Đình hôm 27/9 vừa qua, các doanh nghiệp đã phản đối kế hoạch thu hồi đất theo thời hạn ngày 30/9 này của Khu LHTTQG. Các doanh nghiệp cho rằng đã phải đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo đất đai sau khi thuê đất để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Toàn bộ sai phạm của Khu LHTTQG Mỹ Đình diễn ra trong giai đoạn của Giám đốc Cấn Văn Nghĩa, nhưng từ ngày 1/9 vừa qua, ông Nghĩa đã nghỉ hưu. Câu hỏi đặt ra lúc này là ai chịu trách nhiệm đối với những vi phạm của Khu LHTTQG, cũng như giải quyết lợi ích cho doanh nghiệp chịu thiệt hại?
4. Năm 2030, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo tại Việt Nam
Theo nghiên cứu vừa công bố, đến năm 2030, 70% người dân Việt Nam vẫn sẽ sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chủ yếu.
Tại Việt Nam và nhiều nước châu Á, số lượng xe máy tăng rất nhanh trong các thập niên qua và trở thành phương tiện đi lại phổ biến. Để giải quyết các thách thức giao thông đô thị (tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ùn tắc), Hà Nội đã ban hành Nghị quyết hạn chế và cấm hẳn xe máy vào năm 2030. TP.HCM cũng đang nghiên cứu và sớm có chủ trương về vấn đề này.
Nghiên cứu mới được công bố của trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, đứng đầu là tiến sĩ Vũ Anh Tuấn đã đưa ra nhiều con số hữu ích về thực trạng sử dụng các phương tiện giao thông tại Việt Nam và dự đoán về các hình thức giao thông phổ biến trong năm 2030...
5. Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu cho hàng loạt sản phẩm
Chủ nhật (30/9), Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, quốc gia này sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với danh sách một loạt hàng hóa, trong đó có cả sản phẩm thép, dệt, khoáng sản.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dệt và kim loại, gồm cả sản phẩm thép, xuống còn 8,4% từ mức 11,5%, bắt đầu từ ngày 1/11.
Thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gỗ và giấy, khoáng sản và đá quý sẽ được cắt giảm xuống còn 5,4 % từ mức 6,6%, theo Bộ Tài chính Trung Quốc...