|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tin tức Bất động sản ngày 25/5: 'Lộ' loạt sai phạm đất đai sau cổ phần hóa doanh nghiệp ở Hà Nội

19:15 | 25/05/2019
Chia sẻ
Tin tức bất động sản ngày 25/5 có các bài viết nổi bật như: 'Lộ' loạt sai phạm đất đai sau cổ phần hóa doanh nghiệp ở Hà Nội; Điểm mặt loạt doanh nghiệp có hàng tồn kho bất động sản siêu 'khủng'; Gỡ mối lo tăng giá thuê đất cho doanh nghiệp....

Thị trường địa ốc hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau:

Điểm mặt loạt doanh nghiệp có hàng tồn kho bất động sản siêu 'khủng'

Thống kê cho thấy, tính tới cuối quý 1/2019, chỉ riêng 20 doanh nghiệp bất động sản có giá trị hàng tồn kho lớn hàng đầu trên thị trường đã "om" tới gần 175 nghìn tỉ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm.

Top 20 doanh nghiệp này đều có mức tồn kho lớn hơn 2.800 tỉ đồng. Như Tổng công ty Đầu tư phát triển công nghiệp – CTCP, tại ngày 31/3/2019, giá trị hàng tồn kho của Tập đoàn được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là hơn 7.500 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Mã CK: BCM) cũng có lượng hàng tồn kho "khủng" với 22.123 tỉ đồng tình đến hết quý I/2019; tăng 5% so với con số đầu năm.

Trong số này, lượng tiền chủ yếu "om" ở một số các dự án đang xây dựng như Chung cư IJC Aroma (hơn 111,4 tỉ đồng); Dự án phố Sông Cấm, Dự án TDC Plaza (hơn 534 tỉ đồng); Dự án Unitown giai đoạn 2 (gần 553 tỉ đồng); Dự án khu dân cư ấp 5C Lai Uyên; Dự án Lake View (gần 40 tỉ đồng); Dự án Green Pearl…

Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của BCM là 45.183 tỉ đồng, như vậy lượng hàng tồn kho chiếm gần một nửa tổng tài sản.

Một cái tên cũng thường xuyên được "điểm mặt" trong top các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho cao ngất ngưởng là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - KBC.

'Lộ' loạt sai phạm đất đai sau cổ phần hóa doanh nghiệp ở Hà Nội

Kết quả kiểm toán cho thấy, trong quá trình CPH, UBND Thành phố không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH tại khu đất 4.184m2 tại Lô 2 – E9 đường Phạm Hùng của Công ty TNHH MTV Hanel (nay là công ty Cổ phần Hanel). Tại khu đất này, Hanel đang xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê cao 45 tầng.

Tin tức Bất động sản ngày 25/5: Lộ loạt sai phạm đất đai sau cổ phần hóa doanh nghiệp ở Hà Nội - Ảnh 1.

Công ty TNHH NN MTV Giày Thụy Khuê được quyền thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm tại lô đất "vàng" 152 Thụy Khuê, song doanh nghiệp này lại dùng quyền trên để góp vốn liên doanh không đúng quy định.

UBND Thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và phương án sử dụng đất khi CPH tại Khu đất 2.746,9m2 tại số 358 đường Láng của Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế; Khu đất 2.001m2 số X3 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội của Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội.

Mặt khác, UBND Thành phố không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH tại Khu đất 4.184m2 tại Lô 2 – E9 đường Phạm Hùng của Công ty TNHH MTV Hanel.

Gỡ mối lo tăng giá thuê đất cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Chiến - Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính thừa nhận tiền thuê đất của doanh nghiệp hiện quá cao, thời điểm đưa ra chính sách tăng tiền thuê đất là chưa phù hợp. Nguyên nhân là do năm 2010, thị trường bất động sản đóng băng, giá đất giảm chỉ còn bằng 1/4 trước đó. Nhiều doanh nghiệp có diện tích thuê lớn, kinh tế khó khăn nên việc tăng giá thuê đất đã gây sốc cho các doanh nghiệp.

Theo đó, Sở Tài chính đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép TP.HCM không tính giá đất theo giá thị trường mà xây dựng hệ số xác định tiền thuê đất bằng 2 lần bảng giá đất của thành phố đưa ra nhằm giảm áp lực về tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Nhà giá rẻ dần biến mất, căn hộ triệu USD ngày càng 'sinh sôi' ở TP HCM

Tại buổi báo cáo thị trường BĐS TP HCM quý 1/2019 của DKRA Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D Công ty DKRA cho biết, hiện có một dự án căn hộ tại TP HCMchào bán với giá 334 triệu đồng/m2, phá vỡ kỷ lục cũ 220 -240 triệu đồng/m2 trước đó vào năm 2018. Mức giá này cũng gấp đôi giá giao dịch cao nhất ở khu Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) - khu vực được tiêu thụ căn hộ nhiều nhất quý đầu năm.

Ông Hoàng cho rằng, với mức giá bán này, giá căn hộ hạng sang Sài Gòn đến một lúc nào đó có thể tiệm cận với những thị trường đắt đỏ khác như Bangkok, Malaysia. Tuy nhiên, mức giá đột biến này chỉ ghi nhận ở phân khúc hạng sang,  trong khi với các phân khúc khác mức giá dao động từ 20 - 48 triệu đồng/m2 (tùy khu vực)

Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP HCM, trong thời điểm này, còn có thêm vài dự án nữa có giá bán căn hộ rất cao. Dự án The Grand Manhattan (đường Cô Giang, quận 1) giá 7.000-8.000 USD/m2; dự án Park Legend (đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình) cũng có giá tương tự. Những dự án này tạo ra một phân khúc mới cho thị trường. Trước đó, dự án Alpha Hill (đường Cống Quỳnh, quận 1) cũng do nhà đầu tư đến từ Hồng Kông Alpha King công bố giá bán ngất ngưởng, khoảng 10.000 USD/m2.

Mới đây nhất SonKim Land bàn giao dự án Serenity Sky Villas tại số 259 Điện Biên Phủ, quận 3, diện tích 1.505 m2. Với loại căn hộ 2 phòng ngủ 1 mặt sàn, diện tích 136 m2, mức giá vào khoảng 17 tỷ đồng tương đương 5.506 USD/m2.

Theo số liệu của CBRE cho thấy, giá căn hộ hạng sang tại Tp. HCM đã tăng 17%, đạt mức trung bình 5.518 USD/m2 trong năm 2018 và có thể còn tăng gần 10% lên mốc 6.000 USD mỗi m2 vào đầu 2020.

Thu Hoài