|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín hiệu tích cực M&A ngân hàng

10:14 | 07/07/2017
Chia sẻ
Tiềm năng M&A nói riêng và khai thác hoạt động NH nói chung tại Việt Nam là rất tốt. Nhất là tính đa dạng M&A sẽ tăng lên trong thời gian tới có thể NH nội mua NH ngoại, hay NH ngoại mua lại thị phần NH ngoại… 
tin hieu tich cuc ma ngan hang

Nhiều kỳ vọng cho M&A ngân hàng năm 2017 - Ông Võ Trí Thành

Việc NH trong nước mua lại chi nhánh NH nước ngoài được Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành đánh giá rất tích cực, có tác động nhiều đến thị trường như đa dạng hoạt động M&A, cải thiện vị thế trên thị trường quốc tế…

Theo ông NH Việt được lợi gì khi mua lại chi nhánh NH ngoại?

Cái được lợi rõ nhất khi một NH mua lại NH là thị phần với mạng lưới đã có. Mảng bán lẻ luôn là điểm mạnh của các NH nước ngoài. Mà thị phần này đang diễn ra khá sôi động với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các NH trong nước và cả đối với NH nước ngoài bởi sức hấp dẫn về tiềm năng khai thác của nó. Điểm lợi nữa NH Việt có thể tận dụng được đội ngũ nhân viên với kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, trình độ nghiệp vụ tốt. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác tùy thuộc kế hoạch chiến lược của NH đó ra sao. Nhưng chắc chắn NH đó phải thấy có lợi nhiều thì họ mới mạnh dạn mua lại chi nhánh NH nước ngoài như vậy.

Sở dĩ động thái trên được quan tâm nhiều vì đây là thương vụ đầu tiên đối với NH. Trong các lĩnh vực khác thì đã có nhiều trường hợp, điển hình như một số DN Việt thâu tóm mua lại một vài khách sạn lớn của nước ngoài. Còn lý do vì sao NH ngoại họ bán chi nhánh của mình, có thể là họ muốn thay đổi, thử sức đầu tư vào lĩnh vực khác lợi nhuận cao hơn chẳng hạn. Đấy là trò chơi tài chính của họ, ở đâu có lợi hơn thì họ đầu tư. Đơn giản là vậy. Qua đó cho thấy xu hướng M&A NH phát triển ngày càng đa dạng hơn trên thế giới có vẻ đã lan tỏa đến Việt Nam, báo hiệu một tín hiệu tích cực cho sự tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới.

Ông đánh giá thế nào hoạt động NH nước ngoài tại Việt Nam?

Nếu nhìn chỉ số tài chính thì thấy rằng, hoạt động NH tương đối tốt thể hiện qua thông số nợ xấu thấp, lãi cũng khả quan... Việc kinh doanh tốt cũng không quá khó hiểu bởi NH nước ngoài cũng có khá nhiều ưu thế, rõ nhất là họ gần như phục vụ số đông khách hàng DN FDI tại Việt Nam, mảng bán lẻ lại có nhiều kinh nghiệm, công nghệ hiện đại. Thế nên, NH Việt sẽ thành công nếu khéo kết hợp thế mạnh riêng có đồng thời tận dụng thị phần, kỹ năng, công nghệ từ NH ngoại để khai thác phát triển thị trường. Có như vậy mới đảm bảo đồng vốn bỏ ra đầu tư hiệu quả, đạt được lợi nhuận như kỳ vọng.

Còn nếu không đủ tiềm lực tài chính để mua lại “hàng ngoại”, thì muốn cạnh tranh được các NH nội phải nỗ lực hơn để tận dụng lợi thế nhất định của mình như am hiểu thị trường văn hóa kinh doanh, tiêu dùng của khách hàng… Nhất là tăng cả chất lẫn lượng dịch vụ, không nên quá chú trọng hút khách với giá rẻ mà bỏ lơ chất lượng. Vì hiện tại người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ngày càng hiện đại, họ muốn được phục vụ một cách chuyên nghiệp nhất, công khai minh bạch. Đó cũng là lý do tuy chi phí sử dụng dịch vụ của NH ngoại cao nhưng khách hàng Việt vẫn tin tưởng lựa chọn sản phẩm của họ.

Từ thương vụ này ông nhận định thế nào về xu hướng M&A NH trong thời gian tới?

Theo tôi, nó sẽ sôi nổi hơn nhưng diễn biến nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào một số vấn đề. Thứ nhất, định hướng tái cấu trúc hệ thống NH của Việt Nam. Thứ hai, là mức độ cạnh tranh gắn với quá trình mở cửa tiếp theo nữa về tài chính của Việt Nam ra sao. Nhanh hay chậm chưa nói hết được vì còn tùy thực tế chúng ta “mở” ở mức độ nào. Nó còn phụ thuộc năng lực giám sát trong quá trình mở cửa tài chính. Chưa kể những trò chơi tài chính mới như Fintech đang phát triển khá mạnh trên thế giới… Trong khi đó ở Việt Nam vẫn chưa có khung khổ pháp lý hoàn thiện để giám sát hoạt động này. Đây không phải là vấn đề đơn giản nói là làm được ngay.

Còn nói về tiềm năng M&A nói riêng và khai thác hoạt động NH nói chung tại Việt Nam là rất tốt. Nhất là tính đa dạng M&A sẽ tăng lên trong thời gian tới có thể NH nội mua NH ngoại, hay NH ngoại mua lại thị phần NH ngoại… Đơn cử thương vụ gần đây nhất, ANZ bán lại thành công mảng bán lẻ cho NH Shinnan của Đài Loan cho thấy tiềm năng thị trường khá tốt. Tất nhiên không phải ngẫu nhiên Shinnan mua lại mảng bán lẻ của ANZ. Tuy NH Đài Loan đa phần quy mô nhỏ nhưng dịch vụ của họ rất tốt, nhất là trong bán lẻ cũng như phục vụ DNNVV.

Xin cảm ơn ông!

tin hieu tich cuc ma ngan hang Nhiều kỳ vọng cho M&A ngân hàng năm 2017

Hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ sôi động khi NHNN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD.

tin hieu tich cuc ma ngan hang M&A giúp thu dọn ngân hàng yếu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên kế hoạch tái cấu trúc các tổ chức tín dụng giai đoạn 2. Nhiều chuyên gia tài chính ...

Nguyễn Vũ