M&A giúp thu dọn ngân hàng yếu
Hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được đánh giá sẽ sôi động trong thời gian tới khi NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý 9 ngân hàng yếu kém. Một số ngân hàng đã rút khỏi thị trường tài chính thông qua M&A như: Habubank (sáp nhập SHB), Western Bank (hợp nhất với PVFC), Tín Nghĩa và Đệ Nhất (hợp nhất cùng SCB thành SCB), DaiA Bank (sáp nhập HDBank), SouthernBank (sáp nhập Sacombank), MekongBank (sáp nhập MaritimeBank), MHB (sáp nhập BIDV).
Thực tế, nếu không sáp nhập vào một đơn vị khác, các ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ khó có thể tồn tại và cạnh tranh trong bối cảnh thị trường tài chính đối mặt khủng hoảng những năm trước và hiện vẫn chưa hết khó khăn. Trong khi đó, vốn điều lệ của các ngân hàng chỉ ở mức khiêm tốn 3.000 tỷ đồng, công tác quản trị yếu kém và lợi nhuận liên tục sụt giảm, chỉ đạt 20 - 30% kế hoạch năm.
"Sở hữu chéo trong lĩnh vực này thời gian qua khiến ngành ngân hàng thêm khó khăn, đồng thời làm giảm niềm tin của một bộ phận công chúng và nhà đầu tư đối với ngành ngân hàng khi có một số cá nhân trong ngành có các hành vi lũng đoạn, trục lợi" TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - ngân hàng, Trường đại học Mở TP.HCM. |
Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, với những ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ trên dưới 3.000 tỷ đồng đang phải đối mặt với hoạt động M&A để tồn tại và phát triển. Đây cũng chính là chủ trương của NHNN trong việc đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành.
Theo một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, tăng vốn là cần thiết, song trước tình hình hiện nay, việc tăng vốn của các ngân hàng sẽ được xem xét kỹ lưỡng và trước khi thông qua, NHNN cũng xét kỹ tính khả thi của phương án tăng vốn và cân nhắc về khả năng M&A.
Thực tế, trong 3 năm gần đây, kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhiều ngân hàng nhỏ khó thực thi, kể cả khi các nhà băng tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu với giá ưu đãi. Saigonbank, DongA Bank, VietA Bank… là những cái tên nổi cộm trong việc không thực hiện được kế hoạch tăng năng lực tài chính nhiều năm liền.
Saigonbank cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng được thực hiện tự tái cơ cấu. Phương án tự tái cơ cấu của Saigonbank đã được NHNN chấp thuận từ năm 2013. Theo HĐQT Saigonbank, nhìn chung, Ngân hàng đã thực hiện có kết quả và đảm bảo tiến độ cơ cấu lại theo phương án đã được NHNN phê duyệt. Tuy nhiên, đối với việc nâng cao năng lực tài chính từ mức vốn hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, kể từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng vẫn chưa thể triển khai.
Ở một số nhà băng khác, tuy đã được NHNN chấp thuận đề án tự tái cấu trúc bằng nội lực, song với ngân hàng quy mô nhỏ khó tăng vốn điều lệ trong nhiều năm qua, nhiều khả năng sẽ phải M&A trong thời gian tới.
Theo đánh giá từ một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, mục tiêu tái cấu trúc của NHNN là lành mạnh hoạt động ngân hàng. Thực tế, không phải ngân hàng lớn là có hoạt động quản lý rủi ro hiệu quả. Do đó, NHNN thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động của từng đơn vị. Có ngân hàng lớn cũng không nằm ngoài vòng xoáy M&A nếu có những yếu kém nội tại.
Mặt khác, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hệ thống ngân hàng phải có tầm cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là động lực thúc đẩy M&A giữa các ngân hàng lớn và NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng M&A trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo quyền lợi của hai bên
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia trên cho rằng, chủ trương của NHNN gần đây và tình hình thị trường tài chính - ngân hàng giai đoạn hiện nay đang mở ra cơ hội phát triển cho các ngân hàng có nền tảng nội lực vững chắc thông qua M&A. Đồng thời, M&A giữa các ngân hàng phù hợp sẽ giúp cho các bên tận dụng được sự cộng hưởng lẫn nhau từ thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng, mạng lưới giao dịch, kênh phân phối. Ngoài ra, M&A giúp cho các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu tư, vận hành, thời gian phát triển mạng lưới…
Tuy nhiên, theo của TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - ngân hàng, Trường đại học Mở TP.HCM, để có được hệ thống ngân hàng vững mạnh, trước hết phải là xóa được sở hữu chéo. Sở hữu chéo trong lĩnh vực này thời gian qua khiến ngành ngân hàng thêm khó khăn, đồng thời làm giảm niềm tin của một bộ phận công chúng và nhà đầu tư đối với ngành ngân hàng khi có một số cá nhân trong ngành có các hành vi lũng đoạn, trục lợi.