Tìm hướng nuôi tôm hùm bền vững
Tôm hùm Phú Yên chết hàng loạt trong tháng 6 do ô nhiễm môi trường |
Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển từ những năm 1990, từ năm 2000 tỉnh đã đưa vào quy hoạch phát triển nghề nuôi trồng này và TX.Sông Cầu được xem là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm. Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết hiện ở địa phương có hơn 2.142 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 16.000 lồng nuôi tôm thương phẩm, sản lượng hơn 600 tấn/năm với doanh thu khoảng 500 - 600 tỉ đồng. Nghề nuôi này đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế - xã hội của địa phương.
Quản lý lỏng lẻo
Tuy nhiên, vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương và Xuân Yên (TX.Sông Cầu) liên tiếp 2 năm liền bị chết, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, mật độ nuôi ở đây gấp 4 lần so với quy định. “Đó là do chúng ta không quản lý, thả lỏng việc nuôi tôm hùm ở vùng này”, ông Phương nói và thừa nhận về quản lý chỉ mới khoanh vùng, chứ chưa giao mặt nước cho người dân. Trong khi đó, những tồn tại hiện nay của nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên là nguồn giống vẫn khai thác tự nhiên nên không đủ cung cấp, phải nhập tôm hùm giống nước ngoài nhưng kiểm soát không tốt; thức ăn chính từ nguồn khai thác cá tạp tươi, ốc, sò, cua ghẹ... góp phần gây ra ô nhiễm môi trường; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc.
Ông Trần Minh Phương ở xã Xuân Cảnh (TX.Sông Cầu) khẳng định nghề nuôi tôm hùm đã tạo ra nguồn thu lớn, thay đổi đời sống nhưng rủi ro nghề này càng ngày càng tăng cao vì phụ thuộc vào thị trường và tôm chết bất ngờ. Hơn nữa, người dân phát triển lồng nuôi tôm hùm rất nhanh, dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.
Ô nhiễm từ cách nuôi
Ông Võ Minh Khôi, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết khi đi khảo sát vùng tôm chết tại P.Xuân Yên và xã Xuân Phương (TX.Sông Cầu) thì thấy nghịch lý là tôm đang chết nhưng người dân vẫn đưa lồng ra vịnh Xuân Đài để thả mới. “Đây là vấn đề nan giải”, ông Khôi lo lắng.
Về nguyên nhân gây ra tôm hùm chết trong tháng 6 vừa qua, theo ông Phan Hữu Đức, Phó giám đốc thú y Vùng 4, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), là do ô nhiễm chất hữu cơ, dẫn đến làm giảm hàm lượng ô xy hòa tan ở cả tầng mặt nước và tầng đáy khu vực nuôi. Cũng do ô nhiễm chất hữu cơ đã tạo thuận lợi cho vi khuẩn, sinh vật phù du phát triển mạnh. “Số lượng lồng nuôi quá nhiều so với quy hoạch do người dân tự phát. Mật độ nuôi dày, lượng thức ăn tươi sống mỗi ngày đổ xuống vịnh từ 15 - 20 xe container (tương đương 400 tấn thức ăn tươi sống là cá giã cào, ốc, cua, ghẹ...) liên tục trong thời gian dài dẫn đến môi trường ô nhiễm nặng, nhiều chỉ tiêu thủy hóa vượt ngưỡng cho phép”, ông Đức nói, đồng thời chỉ ra việc quy hoạch chưa sát với thực tế nên vị trí quy hoạch làm vùng nuôi thì người dân không nuôi vì cho rằng không thích hợp với dòng chảy, vị trí không quy hoạch thì người dân lại đem lồng đến nuôi.
PGS-TS Nguyễn Phú Hòa, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết đã tiến hành khảo sát vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài (vùng nuôi tôm bị ô nhiễm nặng vừa qua) thì phát hiện nước thải từ các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi ốc hương, rác thải sinh hoạt của người dân đều đưa xuống vịnh Xuân Đài. Về lượng thức ăn cung cấp, nếu 8 kg thức ăn cho 1 lồng/ngày thì riêng ở xã Xuân Phương là 49 tấn/ngày, còn P.Xuân Yên khoảng 50 tấn/ngày... Thức ăn thừa trong lồng đều đổ xuống vịnh Xuân Đài. “Như vậy, vịnh Xuân Đài đã oằn mình gánh một lượng chất thải kinh khủng mỗi ngày”, bà Hòa nói.
Cần kiểm soát toàn diện
Ông Võ Minh Khôi cho biết nghề nuôi tôm hùm phát triển chủ yếu ở Khánh Hòa, Phú Yên. Số lượng lồng tăng 1,5 lần, nhưng nghịch lý là sản lượng giảm. Hiện nay có 4 loại tôm hùm, nhưng người dân nuôi chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Ông Khôi xác định việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm có nhiều yếu tố, đó là con giống, môi trường vùng nuôi, thị trường.
Vẫn theo ông Khôi, hiện nhu cầu tôm hùm giống hằng năm ở VN khoảng 24 triệu con, nguồn tôm tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 9 triệu con nên phải nhập tôm hùm giống nước ngoài về qua đường tiểu ngạch. “Qua tìm hiểu, chưa có cơ sở nào đăng ký nguồn tôm hùm giống. Nếu quản lý tốt sẽ tránh trường hợp tôm hùm giống trôi nổi. Nếu không kiểm soát được thì nguy cơ dịch bệnh rất cao, chất lượng tôm sẽ ảnh hưởng”, ông Khôi nói. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ tôm hùm tương đối bấp bênh. Khi thị trường Trung Quốc “ăn” thì giá cao, ngược lại là giá rớt thê thảm. Giá trị xuất khẩu từ tôm hùm khoảng 40 triệu USD/năm. Quy hoạch đã có nhưng chưa đầy đủ, giám sát chưa sâu sát nên gây ra yếu tố ô nhiễm cục bộ, khiến tôm hùm chết.
PGS-TS Nguyễn Phú Hòa cho biết muốn vùng nuôi tôm hùm không bị ô nhiễm thì thức ăn thừa trong lồng, bè phải thu gom, đem vào bờ xử lý. “Nếu người dân đưa toàn bộ thức ăn thừa vào thì chứa ở đâu. Đây là chuyện địa phương phải tính đến”, bà Hòa nói. Bà Hòa cũng khuyến cáo không nên nuôi vẹm xanh ở khu vực nuôi tôm hùm vì như thế sẽ dẫn đến cạnh tranh về ô xy, khiến tôm hùm thiếu ô xy, đặc biệt là vào ban đêm hay thời tiết bất thường theo hướng tiêu cực. Ngoài ra, tôm thẻ chân trắng cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh cần lưu ý. “Nếu tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh thì phải xử lý triệt để trong hồ không được xả ra bên ngoài”, bà Hòa nói.
Gần 800.000 tôm hùm lăn ra chết: Thiệt hại kinh hoàng! Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên dẫn hàng loạt kết quả phân tích, đưa ra kết luận môi trường nước vùng có tôm ... |
Tôm hùm chết kỷ lục, Phú Yên họp khẩn tìm giải pháp Chiều 29-5, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức họp bàn giải pháp khẩn cấp xử lý tình trạng tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài ... |
Phú Yên: Bệnh sữa trở lại khiến người nuôi tôm hùm điêu đứng Hiện tượng tôm chết xảy ra từ giữa tháng 2 đến nay với mật độ ngày càng dày khiến nhiều gia đình có nguy cơ ... |