|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok xoá hơn 49 triệu video, nhận 500 yêu cầu pháp lí về dữ liệu từ chính phủ

15:16 | 10/07/2020
Chia sẻ
Từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2019, hơn 49 triệu video đã biến mất trên TikTok vì "vi phạm nội dung". Không video nào trong số đó đến từ Trung Quốc hoặc Hong Kong.

Bản cáo bạch mới nhất mà TikTok công bố hôm 9/7 cho thấy, chỉ trong 6 tháng, ứng dụng xóa hơn 49 triệu video vì vi phạm nội dung - chưa đến 1% tổng các video do người dùng đăng.

Tại Ấn Độ, nơi cấm TikTok vào tuần trước, ứng dụng xóa 16,5 triệu video, gấp khoảng bốn lần so với các quốc gia khác.

Mỹ xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia "kém yêu thích" TikTok, với 4,6 triệu video biến mất. Pakistan xếp thứ ba (với 3,7 triệu video), Anh đứng ở vị trí thứ tư (với 2 triệu video) và Nga đứng thứ năm (với 1,3 triệu video).

Trên toàn thế giới, các nội dung có hình ảnh khỏa thân hoặc hành vi tình dục người lớn chiếm hơn một phần tư tổng lượng bài mà TikTok xóa trên ứng dụng vào tháng 12, trở thành nội dung gây phản cảm nhất trên TikTok.

Bên cạnh đó, Tiktok cũng phải gỡ những video có hình ảnh uống rượu và sử dụng ma tuý, những hình ảnh mang tính bạo lực hoặc tự làm hại bản thân - bao gồm tự tử. Gần 1% video bị xoá vì ngôn từ kích động thù địch hoặc "hành vi không trung thực". Đến 89,4% video biến mất trước khi nhận lượt xem đầu tiên. 

Tuy nhiên, công ty không tiết lộ số lượng video mà người kiểm duyệt gỡ xuống và số lượng video do phần mềm xóa.

Số liệu trong bản cáo bạch cho thấy, trong nửa cuối năm 2019, TikTok đã nhận 500 yêu cầu từ chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật ở 26 quốc gia - tăng 67% so với nửa đầu năm (với 298 yêu cầu).

Trong 500 yêu cầu pháp lí về thông tin đến từ chính phủ thì Ấn Độ - thị trường lớn nhất của TikTok về số lượng người dùng, đã gửi 302 yêu cầu và TikTok đã đồng ý chia sẻ 90% dữ liệu. Xếp vị trí thứ hai, Mỹ gửi 100 yêu cầu và TikTok đã đồng ý chia sẻ 82% dữ liệu. Ngoài ra, Nhật Bản, Đức, Na Uy và Anh cũng gửi lần lượt 16, 15, 10 và 10 yêu cầu tương tự.

"Chúng tôi xem xét kĩ lưỡng về tính hợp pháp mọi yêu cầu về chia sẻ dữ liệu. Ví dụ, chúng tôi sẽ cân nhắc rằng liệu bên gửi yêu cầu có quyền thu thập bằng chứng liên quan đến các cuộc điều tra pháp lí hay các cuộc điều tra khẩn cấp hay không", TikTok nhấn mạnh trong bản cáo bạch.

Cụ thể, TikTok đã nhận 45 yêu cầu xóa hoặc hạn chế nội dung từ các cơ quan chính phủ ở 10 quốc gia, phần lớn đến từ Ấn Độ (với 30 yêu cầu).

"Nếu chúng tôi cảm thấy một báo cáo không hợp lệ về mặt pháp lí, chúng tôi có thể không hành động", theo TikTok.

Đáng chú ý, báo cáo minh bạch của TikTok không ghi nhận bất kỳ thông tin người dùng hoặc yêu cầu xóa nội dung nào từ Trung Quốc hoặc Hong Kong. Trên thực tế, những thông tin về Trung Quốc không xuất hiện trong cáo bạch. Việc ByteDance đang vận hành một bản sao của TikTok ở Trung Quốc tên là Douyin có thể là nguyên nhân, bởi có thể những yêu cầu của chính phủ Trung Quốc đều được gửi tới Douyin.

Hiện tại, người phát ngôn của công ty ở Trung Quốc đã sẵn sàng để làm rõ việc liệu các yêu cầu tới Douyin có nằm trong một báo cáo riêng hay không.

Quỳnh Hoa