TikTok xin giấy phép kinh doanh thương mại điện tử ở Indonesia
Hôm 27/9, Indonesia đã cấm các giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội, được cho là đòn giáng mạnh vào TikTok, vốn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.
Ngày 28/11, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga được Antara dẫn lời cho biết: “Trước đây, TikTok không tuân thủ, không có giấy phép. Bây giờ họ đang giải quyết vấn đề đó”.
Ông Sambuaga cho hay việc hợp tác với một công ty địa phương có thể được thực hiện miễn là phù hợp với các quy định.
TikTok có 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Indonesia, quốc gia có hơn 270 triệu dân. Nền tảng thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc) này đang tìm cách biến cơ sở người dùng thành nguồn doanh thu thương mại điện tử lớn.
Trước đó hồi đầu tháng 11, hãng tin Reuters tiết lộ rằng TikTok đang đàm phán về khả năng hợp tác với một số công ty thương mại điện tử Indonesia, trong đó có Tokopedia, Bukalapak.com, và Blibli của GoTo.
Ngoài TikTok, các mạng xã hội ở Indonesia cũng đang tìm cách ứng phó với lệnh cấm mua bán hàng hóa trên nền tảng của họ, nhằm giành một phần trong “chiếc bánh” thương mại điện tử trị giá 51,9 tỷ USD tại Indonesia.
Facebook, một nền tảng truyền thông xã hội khác bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Indonesia, cũng đã hành động. Theo đó, Meta, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook, nền tảng nhắn tin WhatsApp, cùng nền tảng chia sẻ ảnh và video Instagram, đã nộp đơn xin giấy phép thương mại điện tử.
Trong khi đó, Alphabet, công ty sở hữu Google và YouTube, cũng đã nộp đơn xin giấy phép thương mại điện tử tương tự ở Indonesia. Hồi tháng 6/2023, Alphabet đã ra mắt kênh mua sắm trực tiếp chính thức đầu tiên tại Hàn Quốc.
Với dân số hơn 270 triệu người, trong đó một nửa dưới 30 tuổi, Indonesia được nhiều người coi là thị trường trọng điểm cho thương mại điện tử, trong đó có cả mua sắm trực tiếp.
Báo cáo của công ty liên doanh Momentum Works có trụ sở tại Singapore cho thấy Indonesia là quốc gia chi tiêu trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2022, chiếm 52% tổng giá trị hàng hóa bán ra trên sàn thương mại điện tử (GMV) của cả khu vực. Cụ thể, GMV của khu vực Đông Nam Á lên tới 99,5 tỷ USD, trong đó con số của riêng Indonesia là 51,9 tỷ USD.
Báo cáo của Momentum Works cho hay trước lệnh cấm, TikTok đã hoạt động rất tốt ở Indonesia và trong khu vực. Năm 2021, GMV của TikTok tại khu vực Đông Nam Á đạt 600 triệu USD, song con số này đã tăng vọt 3,8 tỷ USD lên mức 4,4 tỷ USD vào năm 2022.