|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân viên TikTok tại Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu người dùng

07:28 | 04/11/2022
Chia sẻ
Việc TikTok thừa nhận nhân viên ở Trung Quốc có thể xem dữ liệu người dùng ở nước ngoài đến vào bối cảnh cơ quan chức năng của nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, ngày càng lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu của ứng dụng này.

TikTok cho biết họ sẽ cho phép nhân viên Trung Quốc truy cập từ xa vào dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu chỉ vài ngày sau khi một nhà quản lý cấp cao của Mỹ kêu gọi cấm ứng dụng mạng xã hội này, theo tạp chí Fortune.

Trong một bài đăng trên blog, công ty con của kỳ lân giá trị nhất Trung Quốc ByteDance tuyên bố rằng họ đang đạt được tiến bộ trong việc quản trị dữ liệu tốt hơn ở châu Âu, song cũng ngầm thừa nhận rằng một trung tâm dữ liệu đã được lên kế hoạch từ lâu ở Ireland dự kiến ​​sẽ hoạt động từ cuối năm nay chưa thể đi đúng lộ trình.

Dữ liệu từ người dùng TikTok ở Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và Na Uy sẽ tiếp tục được lưu trữ ở Mỹ và Singapore, bao gồm dữ liệu cá nhân được chia sẻ về vị trí gần đúng của họ, và nhân viên của TikTok có thể truy cập vào dữ liệu từ 10 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những người ở Trung Quốc.

"Chúng tôi dựa vào lực lượng lao động toàn cầu để đảm bảo rằng trải nghiệm TikTok của người dùng là nhất quán, thú vị và an toàn", Elaine Fox, người đứng đầu bộ phận quyền riêng tư của TikTok tại thị trường châu Âu, cho biết.

TikTok thừa nhận nhân viên có thể truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu. (Ảnh: The Guardian).

Việc tiếp tục thiếu các rào cản về quyền riêng tư dữ liệu đã khiến thành viên cấp cao của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (Federal Communications Commission - FCC), Brendan Carr, kêu gọi về một lệnh cấm TikTok, tuyên bố rằng dữ liệu người dùng có thể rơi vào tay của các quan chức lãnh đạo Trung Quốc.

Bà Elaine Fox đã lập luận vào ngày 2/11 rằng phía TikTok sẽ cấp quyền truy cập vào dữ liệu người dùng ở châu Âu cho một số nhân viên ở một số quốc gia khác nhau, tuân theo một loạt “các giao thức về phê duyệt và kiểm soát bảo mật” được công nhận theo Quy định chung về bảo mật dữ liệu của Liên minh Châu Âu.

Quy định chung về bảo mật dữ liệu được tạo ra một phần để giải quyết những lo ngại của châu Âu rằng các công ty công nghệ ở Mỹ có thể bị ép buộc các bên liên quan cung cấp dữ liệu cho những cơ quan tình báo Mỹ.

“Các nỗ lực của chúng tôi tập trung vào việc hạn chế số lượng nhân viên có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng châu Âu, giảm thiểu luồng dữ liệu được tuồn ra bên ngoài khu vực và lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu tại địa phương”, bà Fox nói thêm

Các cơ quan chức năng ngày càng lo ngại về TikTok

Một phát ngôn viên của công ty nói với tạp chí Fortune rằng việc bản địa hóa dữ liệu ở khu vực châu Âu sẽ được cải thiện khi cơ sở dữ liệu ở Ireland đi vào hoạt động vào đầu năm tới sau khi kế hoạch ban đầu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông nói thêm rằng nhân viên ở một số quốc gia có quyền truy cập từ xa vào dữ liệu người dùng châu Âu cư trú tại những quốc gia đã được hưởng mức bảo vệ dữ liệu tương đương được EU phê duyệt, chẳng hạn như Nhật Bản.

Người phát ngôn của TikTok nói thêm: “Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp bất kỳ dữ liệu nào cho chính phủ Trung Quốc”. Các nền tảng truyền thông xã hội nói chung đã bị giám sát chặt chẽ sau những sự kiện gây chấn động như việc cựu nhân viên Meta Frances Haugen hay cựu nhân viên Twitter Peiter Zatko lên tiếng về những công ty cũ.

TikTok đã gặp phải vấn đề đặc biệt do công ty mẹ của nền tảng này có trụ sở sống ở Trung Quốc. TikTok cũng bị cáo buộc khuyến khích việc lan truyền các hành vi có hại, chẳng hạn như Blackout Challenge, dẫn đến cái chết của một bé gái 10 tuổi vào tháng 12/2021.

Do hậu quả của những sự cố tương tự mà TikTok là một phần nguyên nhân, các nhà quản lý ngày càng có lập trường chỉ trích chống lại nền tảng này, cũng như nền tảng chị em của TikTok ở Trung Quốc là Douyin.

“Tôi không tin rằng có một con đường phía trước cho bất kỳ điều gì khác ngoài lệnh cấm”, thành viên cấp cao của FCC, Brendan Carr nói với Axios vào ngày 1/11.

TikTok hiện đang đàm phán với CFIUS, một ủy ban liên ngành thực hiện đánh giá an ninh quốc gia về các giao dịch của các công ty nước ngoài, để xác định cách nền tảng này có thể duy trì hoạt động tại Mỹ.

“Ủy viên FCC Brendan Carr không có vai trò hoặc kiến ​​thức trực tiếp về các cuộc thảo luận bí mật với chính phủ Mỹ liên quan đến TikTok và không có quyền thảo luận về những gì các cuộc đàm phán đó đòi hỏi. Ông ấy dường như đang bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, độc lập với quyền hạn với tư cách là ủy viên FCC. Chúng tôi tự tin rằng đang đi trên con đường đạt được một thỏa thuận với chính phủ Mỹ nhằm thỏa mãn tất cả các mối quan tâm hợp pháp về vấn đề an ninh quốc gia”, phát ngôn viên TikTok cho biết.

Anh Nguyễn