|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok Shop bị cấm ở Indonesia do tác động xấu tới các nhà bán lẻ

11:27 | 04/10/2023
Chia sẻ
TikTok sẽ tạm dừng hoạt động bán hàng trực tuyến tại Indonesia từ hôm nay để tuân thủ quy định mới. Công ty sẽ ngừng hỗ trợ các giao dịch thương mại điện tử trên TikTok Shop Indonesia từ 5 giờ chiều.

Mua bán trực tiếp khi xem video giải trí là một dịch vụ được TikTok đẩy mạnh. (Ảnh: ANTARA News).

Dịch vụ bán hàng trực tuyến TikTok Shop được tích hợp trên chính ứng dụng TikTok sẽ chính thức bị dừng hoạt động từ 5 giờ chiều nay (giờ địa phương) tại Indonesia.

Tờ Tech in Asia gọi đây là kết quả tồi tệ nhất đối với TikTok sau khi chính phủ Indonesia công bố các quy định thương mại mới nhất vào tuần trước, qua đó cấm các giao dịch thương mại điện tử trực tiếp trên một ứng dụng mạng xã hội.

Để tiếp tục vận hành nhánh thương mại điện tử của mình, TikTok sẽ phải thành lập một thực thể mới, xin giấy phép thương mại điện tử từ Bộ Thương mại và tạo một ứng dụng TikTok Shop độc lập. Người phát ngôn của TikTok Indonesia cho biết công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan hữu quan trên con đường phía trước.

Các quy định được đưa ra sau những lo ngại rằng TikTok Shop có thể đe dọa tới hoạt động kinh doanh của các MSME (doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ) địa phương thông qua các thuật toán và chiến lược bán phá giá. Theo đó, Indonesia đang tìm cách giữ cho 64,2 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đóng góp 61% tổng sản phẩm quốc nội, không bị tổn hại bởi các công ty thương mại xã hội. 

Nền tảng này cũng bị cho là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng sụt giảm tại các thị trường truyền thống như chợ bán buôn Tanah Abang ở Jakarta.

Theo Bloomberg, việc Indonesia cấm công ty thương mại xã hội xử lý các khoản thanh toán trực tiếp cho giao dịch mua hàng trực tuyến, là một phần của các quy định thương mại mới được thắt chặt nhằm đảm bảo tính cạnh tranh các dịch vụ thương mại điện tử địa phương, chẳng hạn như sàn Tokopedia của GoTo.

Tổng thống Joko Widodo cho biết: “Chúng ta cần thận trọng với thương mại điện tử. Nếu có quy định thì điều này sẽ rất tốt nhưng ngược lại, khi không có quy định thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”. 

Ngay sau khi ra mắt vào năm 2021, Indonesia là quốc gia đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok Shop ở Đông Nam Á. Năm 2022, quốc gia này ghi nhận GMV đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 57% GMV trong khu vực, theo nghiên cứu của Momentum Works. TikTok có 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Indonesia, đứng thứ hai trên toàn cầu.

Indonesia là quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia ở Đông Nam Á phản đối TikTok. Động thái này diễn ra chỉ vài tháng sau khi TikTok cho biết họ sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào khu vực này. TikTok hiện đang phải đối mặt với các lệnh cấm và sự giám sát chặt chẽ của Mỹ, châu Âu và Ấn Độ vì lo ngại an ninh quốc gia.

Tại Việt Nam, giải pháp thương mại điện tử TikTok Shop ra mắt thị trường vào tháng 4/2022. TikTok Shop là một nền tảng dành cho cả người mua, người bán và nhà sáng tạo nội dung, mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử liền mạch ngay trên ứng dụng TikTok.

Theo báo cáo thương mại điện tử nửa đầu năm 2023 được Metric công bố, hết quý II/2023, trên thị trường Việt Nam, TikTok Shop vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau Shopee nếu xét theo doanh thu NMV (Net Merchandise Value - tổng giá trị giao dịch hàng hóa thành công được đặt trên nền tảng online trong một khoản thời gian).

Theo đó, TikTok Shop đạt doanh thu 16.300 tỷ đồng với 117 triệu sản phẩm bán ra. Trong khi, Lazada đạt 15.700 tỷ đồng doanh thu với 117,5 triệu sản phẩm. Shopee ghi nhận tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công đạt 59.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, với 667 triệu sản phẩm được bán ra.

Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho biết TikTok được xếp hạng là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến thứ ba tại Việt Nam, đứng sau Facebook và YouTube. Về thương mại điện tử, có 41% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên sử dụng TikTok Shop để mua sắm trực tuyến, tương đương với Facebook và vượt qua cả sàn thương mại điện tử Tiki.

Có 29% người dùng TikTok được khảo sát cho biết họ mua sắm qua TikTok Shop từ một lần trở lên/tuần và 41% mua từ hai đến ba lần trong một tháng. Các sản phẩm thuộc ngành hàng đồ chơi/trò chơi, thời trang, mẹ và bé có xu hướng được chọn mua nhiều hơn sau khi được nhìn thấy trên TikTok.

Thùy Trang