|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điều gì biến TikTok Shop trở thành đối thủ nặng ký của Shopee, Lazada?

15:01 | 27/09/2023
Chia sẻ
Các deal độc quyền, thông tin về sản phẩm nhanh chóng và niềm tin vào những người có tầm ảnh hưởng/nhà sáng tạo nội dung là những yếu tố khiến TikTok Shop trở nên thu hút.

Theo báo cáo mới được công bố từ công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, TikTok được xếp hạng là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến thứ ba tại Việt Nam, đứng sau Facebook và YouTube.

Về thương mại điện tử (TMĐT), báo cáo cho biết, có 41% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên sử dụng TikTok Shop để mua sắm trực tuyến, tương đương với Facebook và vượt qua cả sàn thương mại điện tử Tiki.

Có 29% người dùng TikTok được khảo sát cho biết họ mua sắm qua TikTok Shop từ một lần trở lên/tuần và 41% mua từ hai đến ba lần trong một tháng. Các sản phẩm thuộc ngành hàng đồ chơi/trò chơi, thời trang, mẹ và bé có xu hướng được chọn mua nhiều hơn sau khi được nhìn thấy trên TikTok.

Trong khi đó, đứng đầu thị trường Việt Nam về TMĐT vẫn là Shopee và Lazada.

Tháng 4/2022, ứng dụng chia sẻ video ngắn này bắt đầu triển khai thêm tính năng thương mại điện tử với dịch vụ TikTok Shop - cho phép người dùng có thể mua sắm trực tiếp trên các video mà họ xem, thứ mà họ gọi là xu hướng shoppertainment.

Shoppertainment là một thuật ngữ được ghép giữa hai từ “shopping” (mua sắm) và “entertainment” (giải trí). Thuật ngữ này có thể đề cập tới việc các trang TMĐT truyền thống hoặc các cửa hàng bán lẻ bổ sung các yếu tố giải trí vào trải nghiệm mua sắm của họ.

Điều này đặc biệt đúng với các sàn TMĐT khi tạo ra các trải nghiệm kỹ thuật số sống động nhằm tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

Về xu hướng shoppertainment, theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG), mua sắm giải trí là "cơ hội trị giá 1.000 tỷ USD" tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), mang đến tiềm năng tương tác và thu hút bằng kỹ thuật số đối với khách hàng trên toàn khu vực. 

Tiktok Shop gần như đã thành công trong chiến lược này khi báo cáo mới đây của Decision Lab cho biết nền tảng do Bytedance đứng sau đang dẫn đầu xu hướng giải trí về video ngắn, vượt xa tính năng Reels của Facebook và Shorts của YouTube. TikTok cũng đang dần được người dùng sử dụng như là một kênh tìm kiếm tin tức.

Ngoài chiến lược shoppertainment, theo chuyên gia phân tích tại Q&Me, ba lý do khác khiến người dùng thích mua sắm trên TikTok Shop đến từ giá cả tốt, sự đa dạng của sản phẩm và khả năng tiếp cận phần đánh giá.

 Nguồn: Q&Me

Theo Momentum Works, TikTok Shop được dự đoán sẽ chiếm 13,2% thị phần thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm nay. Cụ thể, TikTok Shop đặt mục tiêu tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) đạt 15 tỷ USD trong năm 2023, tăng rất nhiều so với con số 4,4 tỷ USD mà TikTok Shop đạt được trong năm 2022.

Nếu TikTok Shop đạt được mục tiêu đề ra, thị phần của sàn thương mại điện tử này trong khu vực sẽ xấp xỉ với với Tokopedia (Indonesia), ước tính là 13,9% và kém đôi chút so với Lazada, ước tính đạt 17,7% trong năm nay.

Những sản phẩm bán chạy nhất trên TikTok Shop là các sản phẩm thuộc danh mục chăm sóc sắc đẹp và đồ dùng cá nhân, chiếm khoảng 70% tổng GMV. Dự kiến, các thương hiệu làm đẹp sẽ tiếp tục là những sản phẩm chủ đạo được bán trên TikTok Shop trong năm nay.

Weihan Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Momentum Works, tin rằng TikTok Shop có thể là một đối thủ nặng ký đối với các sàn thương mại điện tử khác trong khu vực Đông Nam Á. Theo nghiên cứu của Q&Me, các deal khuyến mãi, thông tin sản phẩm cộng thêm đội ngũ người có ảnh hưởng/người sáng tạo tác động là ba động lực lớn nhất khiến người dùng quyết định mua hàng.

Tuy nhiên, vấn đề về niềm tin vào nền tảng, mối bận tâm về chất lượng sản phẩm và cùng nỗi lo về quyền riêng tư/dữ liệu là một số vấn đề những lý do khiến người dùng ngần ngại sử dụng TikTok để mua sắm trực tuyến.

Thùy Trang