Người bán bắt đầu 'chuyển nhà' từ Amazon sang TikTok Shop
Tại Mỹ, TikTok đẩy mạnh mảng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời ra mắt dịch vụ phát nhạc trực tuyến, qua đó trở thành đối thủ cạnh tranh với Amazon, theo Asia Nikkei.
Các nhà cung cấp ở Mỹ nhận thấy rằng việc bán hàng thông qua ứng dụng TikTok có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Christine Cuenca, nhà điều hành Boo’s Snack Mix ở San Jose, California, đã rất ngạc nhiên trước khả năng tiếp cận lượng lớn khách hàng của TikTok.
“TikTok đang phát triển quá nhanh, giúp ích cho công việc kinh doanh của tôi. Tôi đang đẩy mạnh việc vận chuyển sản phẩm và cũng đang thúc giục các nhà phân phối gửi thêm hàng”, bà Cuenca nói.
Boo’s Snack Mix bán những hộp đồ ăn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước đây, trên Amazon, hãng bán trung bình 250 hộp/tháng với giá từ 25 đến 40 USD. Giờ đây, công ty của bàn bán được trung bình 100 hộp/ngày. Bà Cuenca cho biết kể từ khi có sự xuất hiện của TikTok, công ty đã ngừng nhận đơn đặt hàng trên Amazon.
“TikTok thật sự hữu ích, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ”, bà Cuenca chia sẻ.
Mảng kinh doanh TMĐT TikTok Shop trên ứng dụng TikTok chính thức ra mắt tại Mỹ trong tháng này. Trước đó, người dùng tại Mỹ phải mua các mặt hàng trên TikTok thông qua một website bên ngoài. Giờ đây, họ có thể dễ dàng mua sắm ngay trong ứng dụng.
TikTok đã phát triển thành một nền tảng tạo ra các sản phẩm có tính lan truyền, mặc dù phần lớn doanh thu của ứng dụng này vẫn được tạo ra bởi hoạt động kinh doanh quảng cáo. Mục tiêu mới của TikTok là trở thành một nền tảng TMĐT hàng đầu.
Giá trị của các sản phẩm được mua bán thông qua TikTok ngày càng tăng. Năm nay, TikTok có kế hoạch đạt tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của hoạt động kinh doanh TMĐT trên toàn cầu lên 20 tỷ USD, gấp 4,5 lần con số trong năm 2022.
TikTok từ lâu đã nổi tiếng với các thuật toán đề xuất những video phù hợp với sở thích của người dùng. Do đó, hoạt động kinh doanh TMĐT của TikTok cũng sẽ tận dụng điều này.
Kendall Fargo, Chủ tịch GrowMojo có trụ sở tại California cho biết: “TikTok thực sự rất giỏi trong việc theo dõi dữ liệu. Điều này giúp việc đưa sản phẩm đến đúng tay người dùng trở nên dễ dàng hơn. Giờ đây, thói quen tìm hiểu sản phẩm đang dần thay đổi. Những người trẻ tìm kiếm về sản phẩm trên TikTok thay vì Google như trước. TikTok có thể mang đến nhiều cơ hội cho người bán”.
Đông Nam Á cho đến nay vẫn là thị trường hàng đầu của TikTok Shop, chiếm phần lớn tổng doanh thu của mảng kinh doanh TMĐT. Tuy nhiên, doanh thu tại Mỹ của TikTok Shop cũng đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, thời gian sử dụng smartphone cũng có thể trở thành một lợi thế cho TikTok. Theo công ty phân tích dữ liệu Sensor Tower, người dùng Mỹ sử dụng ứng dụng TikTok trung bình 90 phút/ngày.
Với sự ra mắt mảng kinh doanh TMĐT tại Mỹ, TikTok đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Amazon. Giống như gã khổng lồ TMĐT của Mỹ, TikTok đang cung cấp dịch vụ hậu cần một điểm đến cho mọi nhu cầu (One-stop logistics services), bao gồm lưu trữ hàng hóa, đóng gói và vận chuyển sản phẩm.
Vào tháng 7, TikTok đã ra mắt dịch vụ phát nhạc trực tuyến ở Brazil và Indonesia. TikTok dường như sẽ cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu với nền tảng Amazon Music.
Việc Mỹ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với mảng kinh doanh TMĐT của TikTok.
Phía Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ vẫn đề phòng nguy cơ rò rỉ dữ liệu của người dùng trên ứng dụng TikTok. Hiện tại, vẫn tồn tại những lo ngại rằng công ty mẹ của TikTok là ByteDance có thể cung cấp dữ liệu của người dùng cho phía Trung Quốc.
Các nhân viên liên bang tại Mỹ đã bị cấm dùng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp. Vào tháng 5, Montana cũng trở thành bang đầu tiên tại Mỹ ban hành lệnh cấm tải xuống ứng dụng TikTok, dự kiến có hiệu lực vào năm 2024.
Theo các chuyên gia của ngân hàng đầu tư JPMorgan, Amazon chiếm 40% thị phần trên thị trường TMĐT Mỹ, vượt xa TikTok. Bên cạnh đó, TikTok cũng phải đối mặt với cuộc chiến về giá với các nền tảng khác như Temu và Shein.