|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiki ghi nhận lỗ hoạt động tăng vọt trong năm tài chính 2022

07:06 | 16/01/2023
Chia sẻ
Doanh thu giảm và chi phí tăng khiến kết quả kinh doanh của Tiki không mấy sáng sủa trong năm tài chính 2022.

Tiki ghi nhận doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước trong năm tài chính gần nhất (kết thúc vào tháng 3/2022). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số liệu năm tài chính 2022 của Tiki được kiểm toán còn số liệu của năm tài chính 2021 thì không. Thông tin nói trên đến từ hồ sơ quản lý của công ty đăng ký tại Singapore Tiki Global Pte Ltd vốn được thành lập từ tháng 5/2021 và sở hữu hơn 90% phát nhân tại Việt Nam, theo Tech in Asia.

Theo đó, tổng doanh thu của Tiki ghi nhận mức giảm 7% trong năm tài chính 2022 so với năm tài chính 2021. Cùng kỳ, chi phí ghi nhận mức tăng 4%. Kết quả là lỗ hoạt động của Tiki đã tăng 39% trong năm tài chính 2022.

 (Nguồn: ACRA, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Nỗ lực đa dạng hoá ngành hàng

Lấy cảm hứng từ Jef Bezos của Amazon, Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập Tiki vào năm 2010 như một nền tảng bán sách trực tuyến. Tiki là viết tắt của 2 từ tìm kiếm và tiết kiệm. Cái tên Tiki thể hiện tầm nhìn của ông Sơn về việc mang đến cho người tiêu dùng địa phương trải nghiệm mua sắm tốt hơn và giá thành phải chăng hơn.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO và người sáng lập Tiki. (Ảnh: Tiki).

Tiki, hiện theo đuổi cả mô hình B2B và B2C, chia tổng doanh thu của mình thành 2 phần: doanh số bán hàng và doanh số dịch vụ. Trong đó, doanh số bán hàng chiếm tới 88% tổng doanh thu trong năm tài chính 2022.

 (Nguồn: ACRA, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Ở mảng dịch vụ, logistics là lĩnh vực đang mang lại nhiều doanh thu nhất cho Tiki. Đây là điều không quá ngạc nhiên bởi Tiki đã cung cấp các dịch vụ như giao hàng nhanh từ khá sớm, tương tự chiến lược của Amazon.

Bên cạnh đó, Tiki cũng đầu tư mạnh vào năng lực và hạ tầng xử lý logistics của riêng mình. Trong năm tài chính 2022, doanh thu mảng dịch vụ logistics tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh thu từ thu phí sàn giao dịch giảm 37%,

Cần chú ý rằng mảng dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất của Tiki là Tiki Ads khi doanh thu tăng 131% so với năm tài chính 2021. Dù vậy, mảng dịch vụ này chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng doanh thu công ty. Trong khi tổng doanh thu của Tiki giảm tới 7% trong năm tài chính năm 2022, chi phí bán hàng chỉ giảm 1%. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 9% xuống 16%.

Trong đó biên lợi nhuận gộp của mảng hàng hoá là -19% còn biên lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ là 3%. Như vậy, khả năng sinh lời của Tiki có thể sẽ được cải thiện nếu doanh thu từ dịch vụ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn.

Trong vài năm trở lại đây, Tiki đang nỗ lực đa dạng các ngành hàng, dịch vụ cung cấp. Dù vậy, công ty này liên tục phủ nhận tham vọng trở thành một siêu ứng dụng.

Trước đó, ông Thái Sơn từng nói với Tech in Asia rằng Tiki giống “một hệ thống cấu trúc mở” nơi các startup có thể “xây dựng bất kỳ thứ gì họ cho rằng là hữu ích cho cộng đồng khách hàng và các nhà bán hàng của chúng tôi”.

Về mảng thanh toán, Tiki đặt cược khá sớm vào mảng mua trước – trả sau (BNPL). Tháng 7/2022, Tiki hợp tác với HomeCredit để triển khai dịch vụ Home PayLater. Dịch vụ này được tích hợp trực tiếp vào nền tảng của Tiki, cho phép người dùng mua hàng với các phương án trả góp khác nhau cùng lãi suất có thể là 0%. Một hợp tác BNPL với Lotte Financial Vietnam cũng được thực hiện ngay sau đó.

Tiki cũng là một trong những công ty Việt Nam đầu tiên ứng dụng blockchain. Hồi tháng 4 năm ngoái, Tiki công bố một chương trình điểm thưởng dựa trên blockchain. Dù vậy, hiện chưa rõ tác động của các chương trình như vậy đối với hiệu quả bán hàng.

Còn có thể cắt giảm chi phí?

Bên cạnh chi phí bán hàng, các chi phí lớn khác của Tiki là chi phí marketing và chi phí chung/quản trị. Các đầu chi phí này lần lượt tăng 20% và 30% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tính đến tháng 3/2022, Tiki có khoảng 187 triệu USD tiền mặt và tương đương trên bảng cân đối kế toán. Con số này bao gồm vốn từ đợt gọi vốn 258 triệu USD thực hiện vào tháng 11/2021. Dù vậy, nó chưa bao gồm khoảng đầu tư 90 triệu USD từ Shinhan Financial Group vào tháng 5/2022.

Nếu thêm con số 90 triệu USD này vào bảng cân đối kế toán và giả sử dòng tiền ra từ hoạt động vận hành ở mức 100 triệu USD, Tiki có thể hoạt động trong gần ba năm nữa trước khi cần gọi vốn vòng tiếp theo. Tiki cũng có thể đợi tới năm 2024 hoặc đầu năm 2025 trước khi thực hiện IPO.

Dù vậy, những khó khăn chắc chắn đang đợi sẵn Tiki dù sàn TMĐT có thực hiện IPO hay không.

Bên cạnh Shopee và Lazada, TikTok Shop cũng đang dần trở thành một thế lực TMĐT tại Việt Nam sau khi bắt đầu hoạt động tại đây từ tháng 4 năm ngoái. Theo Tech in Asia, TikTok Shop đang đặt mục tiêu lọt top ba sàn TMĐT tại Việt Nam. Theo data.ai, TikTok hiện xếp hạng cao hơn Tiki về số lượt tải về ở hạng mục ứng dụng mua sẵm tại Việt Nam.

Với xu hướng doanh thu hiện tại và việc chưa có lợi nhuận, Tiki cần “tái định hình” bản thân để duy trì lợi thế cạnh tranh ngay cả trên sân nhà.

Nam Khánh