|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiêu dùng vẫn yếu, Tổng cục Thống kê đưa ra 5 giải pháp kích cầu

16:15 | 29/06/2024
Chia sẻ
Trong 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 2,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi, nhưng vẫn thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522.500 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng.

Tính chung trong 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,7 sau loại trừ yếu tố giá).

Nhìn nhận kết quả này, bà Đinh Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng này thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm nay phục hồi, nhưng vẫn thấp.

“Kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngành thương mại và dịch vụ trong quý II, có 56,4% doanh nghiệp nhận định “Nhu cầu thị trường trong nước thấp”, bà Phương thông tin.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng - là có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành.

Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt 8,8 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa trong nước tăng. Trong đó, số người Việt Nam xuất cảnh tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023, đã tác động lan tỏa tích cực đến các ngành dịch vụ trong nước như lưu trú; ăn uống; vận tải và dịch vụ du lịch lữ hành.

Bà Đinh Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Do đó, đại diện Tổng cục Thống kê đã đề xuất các giải pháp góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% đến hết năm 2024, góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm nguy cơ tăng lạm phát… từ đó sẽ kích thích tăng trưởng tới các ngành thương mại dịch vụ và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng;

Thứ hai, triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7, góp phần kích thích chi tiêu và tác động tích cực tới tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Thứ ba, các Bộ ngành, cùng nhiều địa phương tiếp tục triển khai đồng loạt, hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch, đặc biệt du lịch hè 2024, kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế.

Thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2024.

Thứ tư, tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách tài khoá và tiền tệ nhằm hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Cuối cùng, ổn định giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ, đồng thời ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa , đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số, thương mại điện tử.

Ngọc Bảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.