|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mức tăng thuế GTGT Bộ Tài chính đề xuất không ảnh hưởng nhiều đến kích cầu tiêu dùng

08:53 | 03/09/2017
Chia sẻ
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam khi đề cập đến những đề xuất của Bộ Tài chính trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN, Luật thuế Tài nguyên.
muc tang thue gtgt bo tai chinh de xuat khong anh huong nhieu den kich cau tieu dung
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thuế NK ngày càng giảm thấp và về 0%, việc tái cơ cấu lại nguồn thu là hết sức cấp bách để đảm bảo cân đối ngân sách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Bộ Tài chính đề xuất sửa 5 Luật thuế. Theo bà, những nội dung được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo có thể hiện được mục tiêu nói trên không?

Cá nhân tôi thấy, dự thảo lần này thể hiện được tinh thần tái cơ cấu lại nguồn thu.

Về nguyên tắc, đối với thu NSNN, tại các nước đang phát triển, thuế gián thu (thuế GTGT, TTĐB...) chiếm tỷ trọng cao, thuế trực thu (thuế TNDN, TNCN, tài sản) chiếm tỷ trọng thấp và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Bên cạnh đó, nước ta đang trong quá trình hội nhập, vừa phải thực hiện cam kết thuế với WTO, vừa phải thực hiện các Hiệp định thương mại (FTA) dẫn đến thuế NK giảm lớn. Đơn cử trong ASEAN, từ 1/1/2018 tới đây, đến 95% dòng thuế NK sẽ về 0%, trong đó ô tô giảm thẳng từ 30% xuống 0%.

Hiện nay, các sắc thuế trực thu của ta đang thấp và giảm dần, ví dụ như thuế TNDN khi mới có Luật áp dụng thuế suất 32%, sau đó giảm xuống 28%, 25%, 22% và từ 2016 còn 20%. Với đề xuất mới của Bộ Tài chính, thuế suất thuế TNDN chỉ còn 17% với DN nhỏ và vừa, 15% với DN siêu nhỏ. Thuế TNCN cũng được đề xuất giảm, giãn bậc và rút khung thuế suất xuống. Khi thuế NK giảm, thuế trực thu giảm mà nhu cầu chi NSNN vẫn tăng lên, tỷ lệ bội chi phải được kiểm soát dưới 5%, như vậy, bắt buộc phải điều tiết bằng cách tăng dần phần thuế gián thu trong đó có GTGT để đảm bảo trang trải.

Nguyên tắc này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ví dụ,“thiên đường về thuế” như Nhật Bản, thuế tiêu dùng khi mới thu là 5% nhưng năm 2014 đã tăng lên 8% và từ 1/10/2019 sẽ điều chỉnh lên 10%. Tại Singapore, trước kia thuế hàng hóa dịch vụ là 3% vào năm 1995, sau đó tăng lên 5% và hiện nay là 7%, gấp hơn 2 lần mức thuế ban đầu.

Khi bình luận về dự thảo, có ý kiến cho rằng, việc tăng thuế suất thuế GTGT từ 5% lên 6% và từ 10% lên 12% sẽ giảm kích cầu tiêu dùng, ảnh hưởng tới việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà nhận xét thế nào về ý kiến này?

Là người nghiên cứu, xây dựng và triển khai chính sách thuế lâu năm, tôi biết rằng, khi đưa ra một đề xuất tăng thuế, thường tính đồng thuận sẽ không cao. Có thể khi thuế TNDN, thuế TNCN được giảm 4-5% họ vui mừng nhưng chỉ cần tăng 1% cũng sẽ phản đối. Điều cần làm là người đưa ra chính sách phải giải thích, so sánh để cho người dân, DN thấy rõ mức tăng lên là bao nhiêu, ở mức độ nào, đánh giá tác động cụ thể thì sẽ dễ tạo ra sự đồng thuận hơn trong quá trình thực hiện.

Nhìn trực tiếp vào đề xuất tăng thuế hiện nay của Bộ Tài chính có thể thấy, trước tiên, toàn bộ hàng nông lâm sản, thủy hải sản do người dân trực tiếp bán ra vẫn là đối tượng không chịu thuế GTGT, do đó, giá bán các mặt hàng này không bị ảnh hưởng, không bị tăng giá bán khi sửa thuế.

Thứ hai, vẫn là những sản phẩm nói trên nhưng đưa vào siêu thị để bán thì chịu thuế suất 5%, dự kiến tăng lên 6%. Như vậy, khi người dân mua hàng cứ 100.000 đồng thì mất thêm 1.000 đồng tiền thuế. Với những người có thu nhập thấp, chỉ sử dụng các mặt hàng thiết yếu thì mức tăng này cơ bản cũng không ảnh hưởng đến mức tiêu dùng.

Đối với các sản phẩm tiêu dùng khác đang hưởng mức thuế 10%, theo đề xuất là tăng lên 12% thì cứ tiêu dùng 1 triệu đồng, người mua sẽ mất thêm 20.000 đồng tiền thuế GTGT. Đây là mức tăng có thể chấp nhận được, nhất là khi tiêu dùng các mặt hàng có giá trị như điện máy, công nghệ phẩm.

Nhìn chung, khi so sánh cụ thể, mức tăng như Bộ Tài chính đưa ra không ảnh hưởng nhiều đến kích cầu tiêu dùng.

Một vài ý kiến lại cho rằng, việc tăng thuế để tăng thu NSNN cũng chính là “tiếp tay” cho chi tiêu công lãng phí. Theo bà, đề xuất tăng thuế có cần phải đi kèm với rà soát chi tiêu NSNN hay không?

Tôi không đồng tình với quan điểm tăng thuế là tạo điều kiện cho chi tiêu thoải mái, lãng phí. Khi chi tiêu, dù là trong gia đình của từng người dân hay NSNN đều phải có sự tính toán chi tiết. Khi thuế tăng, nguồn thu tăng không đồng nghĩa với việc ta được “vung tay quá trán” mà vẫn phải tính toán những phương án để chi tiêu cho hiệu quả và tiết kiệm chi.

Tuy nhiên, tôi đồng ý với vế thứ 2 của câu chuyện. Tiền thuế là công sức, mồ hôi, nước mắt của người dân, DN tạo nên. Nguyên tắc đặt ra ở đây là họ đóng thuế cho Nhà nước thì họ có quyền được biết tiền thuế đó được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích không.

Chúng ta cũng đã từng bước minh bạch các khoản chi tiêu của NSNN thông qua việc Quốc hội phê chuẩn dự toán thu, chi cũng như quyết toán thu, chi của NSNN hàng năm. Song, phải thừa nhận rằng, trong quá trình chi tiêu đó, tham nhũng, lãng phí vẫn còn. Do đó, việc triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chi NSNN là hết sức cần thiết để củng cố niềm tin của những người nộp thuế. Khi họ có niềm tin, họ sẽ dễ dàng đồng thuận với những chính sách mới mà Nhà nước đưa ra hơn.

Ở một khía cạnh khác, chính sách thuế cũng có thể góp phần giúp cho kiểm soát chi. Ví dụ như mục tiêu thu thuế TNCN là quản lý chi tiêu của xã hội, góp phần quản lý, chống tham nhũng nhưng sắc thuế này ở Việt Nam chưa làm được điều đó. Vậy, trong quá trình sửa Luật, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu đưa ra những chính sách thuế có thể kiểm soát được chi tiêu trong xã hội giống như các nước khác đã triển khai. Ví dụ, một cá nhân, DN mua, kê khai sở hữu các tài sản lớn như du thuyền, máy bay, đất đai,... thì phải chứng minh được nguồn thu nhập đủ để mua, sở hữu tài sản đó sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Đây cũng là một phương pháp kiểm soát tham nhũng hiệu quả.

Xin cảm ơn bà!

Xét về mặt cơ cấu, tỷ trọng thuế GTGT trong tổng thu NSNN của Việt Nam không lớn. Cách đây 20 năm, khi Quốc hội Việt Nam ban hành Luật thuế GTGT đầu tiên, Trung Quốc đã áp dụng thuế suất phổ thông 17% và có thêm những thuế suất cao hơn, trong khi thuế suất cơ bản của nước ta chỉ là 10%. Cũng tại thời điểm đó, tỷ trọng thuế GTGT của Trung Quốc đã ở mức 40-50% trong khi Việt Nam chỉ là 20%. Đến hiện tại, tỷ trọng này của chúng ta mới đạt 27%, còn khá thấp so với nhiều nước.
muc tang thue gtgt bo tai chinh de xuat khong anh huong nhieu den kich cau tieu dung Tăng thuế VAT: 'Người thu nhập thấp, cận nghèo sẽ bị nghèo hoá'

Ngay sau đề xuất gây “bão dư luận” của Bộ Tài chính về tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với đa số mặt ...

muc tang thue gtgt bo tai chinh de xuat khong anh huong nhieu den kich cau tieu dung Tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng mạnh đến người nghèo

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, ở Việt Nam đánh thuế giá trị ...

muc tang thue gtgt bo tai chinh de xuat khong anh huong nhieu den kich cau tieu dung Tăng thuế VAT: Cần kích thích tiêu dùng trong dân chứ không phải tăng thu từ thuế!

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc tăng thuế VAT sẽ khiến giá cả các mặt hàng tăng lên, kéo theo tiêu dùng giảm nên chưa ...

Hồng Vân (thực hiện)