|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiết kiệm tiền mùa sale như Shark Linh: Không mua sắm để xả stress, đừng nghĩ người khác có thì mình cũng phải mua, tránh xa những ngày giảm giá như 11/11,...

17:07 | 10/11/2021
Chia sẻ
Shark Linh cũng đưa ra một gợi ý về thử thách 52 tuần, có thể giúp bất kỳ ai tiết kiệm được cả chục triệu đồng mội năm và không bị sa đà vào những đợt sale.

Cuối năm thường là thời điểm dịp mua sắm bùng nổ với nhiều ngày lễ lớn như Noel, Tết,… Cùng với đó, những tháng cuối năm cũng chứng kiến nhiều dịp sale lớn như Black Friday, Tết cô đơn (11/11), Lễ Tạ ơn, Cyber Monday, Online Friday, Mid Season sale,…

Rõ ràng, sức hút từ những dịp sale trong mùa lễ hội cuối năm khiến người mua, đặc biệt là giới trẻ tỏ ra háo hức. Nhiều người thậm chí không tiếc tiền mà chi ra những khoản lớn để mua sắm.

Tuy nhiên, điều này có khiến bản thân họ rơi vào "cái bẫy" trong dịp mua sắm. Shark Thái Vân Linh, một "cá mập" nổi tiếng trên sóng chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam trích dẫn một nghiên cứu chỉ ra rằng nghiện mua sắm quá mức thường xảy ra ở cuối lứa tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi và một số ít bắt đầu sau 30 tuổi, khi bắt đầu sống xa nhà và sử dụng tài khoản tín dụng. 

Thông thường, bị mắc kẹt trong việc mua sắm quá mức có thể vì bản thân chưa thiết lập được khả năng để kiểm soát hành vi chi tiêu cho riêng mình. Về lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và túi tiền của bản thân.

"Những người nghiện mua sắm được gọi là Shopaholic. Thông thường, họ thường mua những cái nằm ngoài dự tính, tùy hứng. Chẳng hạn như đi siêu thị để mua rau, bất chợt thấy kem đang giảm giá liền mua luôn kem. Có rất nhiều người bị như thế. 

Đôi khi họ mua vì cảm giác muốn sở hữu, rồi về nhà lại tự hỏi tại sao mình lại mua cái này. Phổ biến hơn, nhiều khi bạn đặt hàng và quên mất mình mua gì. Khi shipper giao hàng đến lại cảm thấy bất ngờ. Bản thân Linh cũng có những lần như vậy. Về lâu dài, nó có thể ảnh huowrngd đến túi tiền và thẻ tín dụng của bản thân", Shark Linh nhấn mạnh.

Tiết kiệm tiền mùa sale như Shark Linh: Không mua sắm để xả stress, đừng nghĩ người khác có thì mình cũng phải mua, tránh xa những ngày giảm giá như 11/11, 12/12,... - Ảnh 1.

Shark Linh tin rằng có nhiều người đang mắc chứng FOMO (Sợ bỏ lỡ cơ hội). (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Để ngăn chứng nghiện mua sắm trong các dịp sale, Shark Linh đã chỉ ra 4 cách:

1. Hiểu cảm xúc, tâm lý khiến bản thân cần đi mua sắm

"Trong tiếng Anh có câu: You have to spend money to save money (Bạn phải dùng tiền để tiết kiệm tiền). Những câu này hơi mâu thuẫn, nhưng thường xảy ra vào những dịp sale, bởi lẽ nhiều người cho rằng giảm giá thì cần phải mua tiếp vì không phải lúc nào cũng giảm", Shark Linh chia sẻ.

Bà Linh, Founder quỹ TVL, cho biết trong những đợt giảm giá, để tránh sa đà vào việc mua sắm quá mức, bản thân cần hiểu những yếu tố nào tác động tới tâm lý, thúc đẩy ham muốn mua sắm.

"Những công ty ngày nay rất hiểu tâm lý khách hàng, họ lựa chọn những ngày cố định như 9/9, 10/10, 11/11,… để làm ngày giảm giá. Khi đó, khách hàng biết trước những ngày nào được giảm giá và cứ thế ào vào mua. Có thể các bạn cũng nằm trong số đó, và có khả năng mắc hộ chứng FOMO (Fear Of Missing Out), nghĩa là sợ bỏ lỡ cơ hội để tiết kiệm tiền", Founder quỹ TVL chia sẻ.

Cách tốt nhất để tránh hội chứng FOMO là không đi trung tâm thương mại, cửa hàng,… trong những dịp lễ, bởi nếu chúng ta thực sự có nhu cầu mua một đồ vật, thì nên xuống tiền ngay lúc đó, không nên chờ tới ngày giảm giá để mua, theo Shark Linh.

2. Kiểm soát nguồn năng lượng, không mua sắm để xả stress

Khi chúng ta bị stress bởi công việc hoặc một câu chuyện nào đó, sẽ rất khó để hạn chế bản thân vào việc mua sắm. Thay vì đi shopping, Shark Linh đưa ra lời khuyên rằng nên lựa chọn một số hình thức khác để giải tỏa căng thẳng như ngồi thiền, đọc sách, tập yoga,…

3. Áp lực từ những người xung quanh: Đừng nghĩ người khác có thì mình cần mua

"Có những người nghiện mua sắm, và họ coi đó là sở thích. Tuy nhiên, đấy là sở thích của họ, đừng biến nó thành sở thích của bản thân. Nếu bạn có những người bạn như vậy, hãy hẹn họ đi cà phê thay vì đến trung tâm thương mại, siêu thị,… vì chắc chắn những nơi đó sẽ kích thích họ mua sắm", Shark Linh chia sẻ.

Đồng thời, Founder quỹ TVL chia sẻ bí quyết để tiết kiệm, được gọi là thử thách 52 tuần: Tuần đầu tiên tiết kiệm 10.000 đồng, sau mỗi tuần tăng thêm 10.000 đồng. Như vậy, đến tuần thứ 52 sẽ tiết kiệm được 520.000 đồng, có nghĩa cả năm đã tiết kiệm được 14 triệu đồng, một con số không hề nhỏ.

4. Giảm tương tác với các cửa hàng

Xóa cookies trên máy tính: Theo Shark Linh, khi đã vào xem hàng ở một trang nào đó, những sản phẩm khác của họ sẽ luôn hiện trên bảng tin mạng xã hội. 

Theo nghiên cứu, một người thường xem sản phẩm 5 – 7 lần trước khi xuống tiền. Vì vậy, nếu không xóa cookies, người dùng có thể nhìn thấy sản phẩm nhiều lần và cuối cùng đưa ra quyết định mua.

Tự hạn chế cách thanh toán của bản thân: Ngày nay, các shop thường đưa ra những cách đơn giản giúp thanh toán dễ dàng, khiến bạn dễ rơi vào tình trạng mua sắm quá mức. 

"Điều tốt nhất là xóa hết và không lưu lại gì, muốn mua gì thì cần phải nhập số thẻ ngân hàng. Điều này sẽ giúp bản thân có thêm 1,2 phút trấn tĩnh, suy nghĩ lại xem món đồ đó có thực sự cần thiết hay không. Tương tự, bước vào một cửa hàng chỉ nên đem 1 thẻ tín dụng hoặc 1 -2 triệu đồng tiền mặt, dùng hết thì thôi", Shark Linh chia sẻ.

Mua hàng vì cần hay vì thích: Câu hỏi này là những gì bạn cần trả lời trước khi mua hàng. "Tôi có thực sự cần món hàng này không. Nếu tôi mua, tôi có đủ khả năng chi trả hay không? Thẻ tín dụng ngày nay tạo cơ hội để mua sắm nhiều hơn khả năng của chính bản thân.

Một cách khác là chờ 30 ngày để xác định để xác định chính xác liệu rằng bản thân có cần hay không", Founder quỹ TVL cho biết.

"No Buying Buddy": Cách cuối cùng mà Shark Linh chỉ ra chính là có những người bạn cùng chung sở thích, không đam mê mua sắm, đi chơi đúng nghĩa để trò chuyện với nhau chứ không phải để shopping.

Quốc Anh