|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền vẫn nghẽn trong hệ thống ngân hàng

07:53 | 11/06/2020
Chia sẻ
5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,96% trong khi tăng trưởng cung tiền ở mức 3,4% khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên dư thừa. Tình trạng này cho thấy lãi sức hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng thừa tiền, đồng loạt giảm lãi suất huy động

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/5/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 1,96%. Điều này đồng nghĩa, trong 5 tháng vừa qua, lượng tín dụng bơm ra nền kinh tế mới chỉ tăng thêm khoảng 160.600 tỉ đồng.

Trong khi đó, về phía nguồn cung vốn, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng trưởng 3,4% so với cuối năm 2019, tương ứng với mức cung tiền tăng thêm đạt gần 359.500 tỉ đồng. Chệnh lệch giữa mức tăng trưởng M2 và tín dụng đưa ra nền kinh tế là khoảng 199.000 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 108.000 tỉ đồng hồi cuối tháng 3.

Tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với cung tiền (M2) trong 5 tháng đầu vừa qua nay trái ngược hoàn toàn so với năm 2019 (5 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt 5,78% và tăng trưởng M2 ở mức 5,37%) cho thấy, mặc dù NHNN tích cực "bơm thanh khoản" nhưng tiền vẫn chưa thể đẩy vào nền kinh tế mà vẫn "bị tắc" trong hệ thống ngân hàng.

Sự dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng thể hiện rất rõ qua xu hướng giảm sâu của lãi suất liên ngân hàng.

Theo đó, tính đến cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng kì hạn qua đêm đã xuống thấp nhất trong lịch sử ở mức 0,27%/năm đối với VND và 0,2%/năm đối với USD (theo số liệu của BVSC). Đồng thời, lãi suất cho vay liên ngân hàng tại các kì hạn khác như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đều xuống thấp kỉ lục. 

Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đang có quá nhiều tiền và chi phí vay mượn chúng đang ở mức gần bằng 0.

Tiền vẫn nghẽn trong hệ thống ngân hàng... - Ảnh 1.

Tác động của tình trạng "thừa tiền" không chỉ dừng ở thị trường liên ngân hàng mà đã lan tỏa đến cả thị trường 1 (tức thị trường huy động tiền gửi giữa ngân hàng và dân cư).

Trong tháng 5 và đầu tháng 6, lãi suất huy động tiền gửi tiếp tục được một loạt ngân hàng điều chỉnh giảm. Ngoài các kì hạn ngắn dưới 6 tháng, nhiều nhà băng cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động dài hạn 0,1 - 0,5 điểm %, tập trung tại các kì hạn từ 12 tháng trở lên.

Đợt giảm lãi suất huy động lần này có sự tham gia của các nhà băng lớn như Agribank, VietinBank và BIDV, nhóm ngân hàng sở hữu hơn 40% thị phần huy động toàn hệ thống. Hiện mức lãi suất tiền gửi tối đa của các ngân hàng này đã giảm xuống chỉ còn 6,5%/năm.

Tiền vẫn nghẽn trong hệ thống ngân hàng... - Ảnh 2.

Ngân hàng vẫn khó cho vay

Số liệu từ báo cáo tài chính quí I cho thấy, có tới 9/27 ngân hàng được thống kê tăng trưởng cho vay âm trong 3 tháng đầu năm với sự góp mặt của nhiều "ông lớn" như BIDV (giảm 1%), VietinBank (giảm 1,2%), MB (giảm 0,9%)...Đồng thời, nhiều ngân hàng khác cũng tăng trưởng cho vay ở mức thấp so cùng kì các năm trước.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, ngân hàng không thiếu vốn, tuy nhiên hiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu. Bằng chứng là tín dụng quí I/2020 chỉ tăng 1,3%, trong khi cùng kì năm ngoái tăng trưởng ở mức 3,2%.

Chia sẻ tại Họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết qua khảo sát thực tế, các ngân hàng mong muốn tìm khách hàng cho vay. Tuy nhiên, nhu cầu cho vay mới chưa nhiều do doanh nghiệp đang phải xử lí món nợ cũ.

Theo bà Hồng, hiện có nhiều tổ chức tăng trưởng tín dụng âm, có ngân hàng tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, NHNN cũng tiếp nhận một số ngân hàng xin điều chỉnh chỉ tiêu và đang tập hợp xem xét đánh giá. NHNN sẽ điều chỉnh hạn mức tăng tín dụng cho ngân hàng nếu đáp ứng được một số điều kiện như đảm bảo được sức khỏe tài chính, đưa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ

Bên cạnh nhu cầu vay vốn của nền kinh tế chưa phục hồi, các ngân hàng cũng tỏ ra rất thận trọng trong hoạt động cho vay trước nguy cơ bùng phát nợ xấu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp gặp khó muốn vay vốn nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng khiến những gói vay thì có nhưng chỉ những doanh nghiệp thực sự tốt mới có thể tiếp cận.

Là một "doanh nghiệp" hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, các ngân hàng cũng cần phải cân nhắc đủ điều để đảm bảo được chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của mình. Do vậy, rất khó để các nhà băng tự hạ thấp tiêu chuẩn cho vay để đẩy vốn ra nền kinh tế. 

"Với những khách hàng có đủ điều kiện, có phương án kinh doanh tốt, đương nhiên ngân hàng sẽ phải nỗ lực để đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn phát triển. Chúng ta không thể hạ thấp điều kiện cấp tín dụng, vì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế sau này", Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ chia sẻ trong Hội nghị gần đây giữa ngân hàng với doanh nghiệp.

Trong ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Lê Đức Thọ cũng cho biết nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh trong quí I là do nhiều khách hàng gặp khó khăn, khả năng tài chính sụt giảm và quá trình xử lí thu hồi các khoản nợ bị ảnh hưởng lớn. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu nhập, lợi nhuận, dòng tiền của nhiều khách hàng bị ảnh hưởng, tuy nhiên có những khách hàng tốt gặp khó khăn và cũng có những khách hàng có nhiều vấn đề nội tại bị tác động. 

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm, Phó Chánh Thanh tra Giám sát NHNN Trần Đăng Phi nhận định, nợ xấu là một trong những thách thức lớn với hệ thống ngân hàng năm nay.

"Mặc dù tình hình nợ xấu được cải thiện trong những năm qua, song khi dịch xảy ra, hệ thống ngân hàng không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Chất lượng nợ xấu nội bảng hiện vẫn duy trì dưới mức 2%, song nợ xấu tiềm ẩn, có tính đến tác động của dịch COVID-19 thì có chiều hướng cao hơn, cho dù đã được áp dụng các biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ", ông Trần Đăng Phi đánh giá.

Quốc Thụy