Tiến sĩ Cấn Văn Lực: 'Khó có khả năng doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu'
Tại buổi hội thảo "Làm sao để biết một trái phiếu đắt hay rẻ" do Fiin Group tổ chức, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính của FiinGroup cho biết tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 240.000 tỷ đồng từ đầu năm đến 13/8, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ, tức khoảng 11,7% GDP năm 2023.
Cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng đạt 136.500 tỷ, chiếm 68%; trái phiếu bất động sản đạt 43.200 tỷ, chiếm 21,5% tổng giá trị phát hành từ đầu năm 2024.
Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động ở mức 7,47% trong 8 tháng và giảm 66 điểm so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm cho 8 tháng và giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023.
Số dư trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315.000 tỷ và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ. Riêng trái phiếu bất động sản thì số dư đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60.000 tỷ và năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỷ.
Tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023 đặc biệt là trái phiếu bất động sản do các nhà đầu tư và tổ chức phát hành đã chủ động tái cơ cấu nợ trái phiếu.
Đánh giá về triển vọng thị trường, đại diện Fiin Group nhận định trái phiếu ngân hàng sẽ là chủ đạo. Trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý. Còn trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.
Lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng. Thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ NHNN trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo.
Tháo gỡ pháp lý bất động sản sẽ gỡ được nợ quá hạn
Tại buổi hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" của Tạp chí Nhà đầu tư, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Fiin Group kiêm Tổng Giám đốc Fiin Ratings nhìn nhận: "Vấn đề mọi người lo ngại là áp lực đáo hạn còn hay không và Nghị định 08 hết hạn. Theo tôi, việc gia hạn Nghị định 08 có lẽ không phải là vấn đề lớn.
Vấn đề lớn hơn là nợ quá hạn rất lớn trong năm 2024 - 2025. Cách chúng ta có thể làm là liên quan đến đề án của Chính phủ về tháo gỡ pháp lý bất động sản, khi tháo gỡ được vấn đề này thì việc xử lý nợ quá hạn rất dễ".
"Cần lưu ý rằng, nguồn tiền lớn nhất không phải vay ngân hàng hay trái phiếu mà là tiền nhận từ khách hàng, điều này nói lên rằng việc hỗ trợ xung quanh cũng rất quan trọng, không nên chỉ tập trung vào giải cứu trái phiếu, biện pháp xung quanh quan trọng hơn nhiều, đó là "sạch" pháp lý", ông Thuân chia sẻ.
Chia sẻ thêm về áp lực đáo hạn trái phiếu với nhóm bất động sản, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho hay câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể nói đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (tháng 6 - 8/2023) từ sau khi có Nghị định 08 cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ. Năm nay thị trường trái phiếu có 213.000 tỷ đáo hạn, riêng bất động sản chiếm 37% khoảng 70.000 tỷ đồng.
Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.
Do vậy, ông Lực nhìn nhận hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua, có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết. Thực tế thì doanh nghiệp bất động sản không cần chiết khấu sản phẩm 40 - 50% như thời gian trước, chiết khấu khoảng 10% đã bán được rồi.
"Ở Việt Nam, doanh nghiệp bình thường phá sản đã khó thì doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì đống nợ trái phiếu còn đó, câu chuyện giải quyết ra sao. Tuy nhiên, Nghị định 08 đã hết hiệu lực thì thực hiện Nghị định 65 có cho phép đàm phán, giãn, hoãn nợ không? Đây là điều cơ quan quản lý cần làm rõ", ông Lực nêu quan điểm.