|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiền kiếm được từ quảng cáo chẳng thấm vào đâu, Facebook, Twitter lần lượt tìm kiếm chất xúc tác tăng trưởng mới bằng cách trở thành một sàn thương mại điện tử

14:11 | 30/07/2021
Chia sẻ
Các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter,... đều đang quan tâm đến việc phát triển tính năng cho phép người dùng mua sắm trực tiếp ngay trên nền tảng của mình.

Dẫn dắt bởi Facebook, nhiều nền tảng mạng xã hội như YouTube, Snap hay Twitter cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào các tính năng mua sắm để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Theo Reuters, các công ty đều đang nhắm đến ngành thương mại xã hội (social commerce), trong đó phụ thuộc vào khả năng người dùng khám phá và mua các sản phẩm thông qua mạng xã hội. 

Doanh thu năm của ngành thương mại xã hội tại Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng lên mốc 50 tỷ USD vào năm 2023 từ con số hiện tại là 36 tỷ USD, theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer.

Từ Facebook đến Twitter: Đây là 'xúc tác' tăng trưởng mới của các 'ông lớn' MXH - Ảnh 1.

Facebook hiện được xem là nền tảng mua sắm xã hội phổ biến nhất. (Ảnh: Reuters).

Thành công của thương mại xã hội một phần đến từ việc định hướng sản phẩm cho người dùng dựa trên hành vi. Trong khi đó, các dữ liệu liên quan đến mua hàng cũng có thể được dùng trong tương lai cho hoạt động quảng cáo.

Facebook, hiện được xem là công ty đứng đầu mảng thương mại xã hội, và Google đã giúp các nhà bán lẻ có thêm doanh số bán hàng trong quý vừa qua. Công ty thương mại điện tử Shopify nói rằng tốc độ tăng trưởng sản phẩm bán qua hai nền tảng của Facebook và Google cao hơn gấp vài lần tăng trưởng trên website do chính các nhà bán lẻ vận hành.

Ông Mark Zuckerberg, CEO Facebook, nói rằng thúc đẩy thương mại và tạo ra cách thức để doanh nghiệp giao tiếp dễ dàng hơn với khách hàng thông qua Messenger và WhatsApp. Facebool thừa nhận đây là "một khoản đầu tư trong dài hạn đúng đắn".

Cùng thời điểm, các nhà bán lẻ cũng đang tích cực đón nhận xu hướng này trong bối cảnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các cửa hàng truyền thống.

Các thương hiệu từ thời trang cao cấp như Burberry cho tới thời trang nhanh như H&M đều đang hợp tác với người nổi tiếng để thuyết phục những người theo dõi họ thực hiện mua hàng thông qua các bài đăng trên mạng xã hội.

Mặc dù mảng kinh doanh này vẫn có quy mô khá nhỏ ở thời điểm hiện tại, các "ông lớn" mạng xã hội đang nhắm đến dữ liệu từ hoạt động mua sắm và dữ liệu duyệt web của người dùng để phục vụ cho hoạt động quảng cáo.

Điều này còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các thay đổi liên quan đến riêng tư và bảo mật từ Apple đang khiến các công ty công nghệ không còn theo dõi hành vi người dùng iPhone dễ dàng như trước.

Tương lai của thương mại?

Facebook ra mắt tính năng Shops vào tháng 5/2020 trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Facebook thuyết phục các thương hiệu bằng cách thức bán hàng dễ dàng trực tiếp qua Facebook và Instagram. Cùng lúc, nó hứa hẹn với người dùng một phong cách khám phá các món đồ mình cần được cá nhân hoá thông qua mạng xã hội.

Theo một nghiên cứu của eMarketer vào tháng 6/2020, 18% những người được hỏi nói rằng họ đã mua một sản phẩm qua Facebook. Con số này của các nền tảng Instagram và Pinterest là 11% và 3%.

Ngay cả khi các lệnh hạn chế do dịch bệnh dần dỡ bỏ, các nhà phân tích nhìn nhận nhu cầu mua sắm trực tuyến vẫn sẽ duy trì. "Người dùng đã quen với việc mua sắm trực tuyến", nhà phân tích Dave Heger của Edward Jones chia sẻ. "Tôi không nghĩ tỷ lệ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sẽ có thể quay trở lại như mức độ trước đây", ông nói thêm.

Snap Chat đang đầu tư mạnh vào công nghệ thực tế mô phỏng để giúp người dùng có thể "ướm thử" các sản phẩm như đồng hồ, trang sức và quần áo để giảm tỷ lệ trả hàng, một vấn đề mà các nhà bán lẻ trực tuyến vẫn gặp phải.

Trong khi đó, ứng dụng video ngắn TikTok cũng đang thử nghiệm hình thức mua sắm thông qua livestreaming với một số thương hiệu ở Anh. Người dùng có thể mua quần áo từ những người nổi tiếng theo thời gian thực, ngay tại thời điểm video phát trực tiếp.

Twitter, một nền tảng vốn nổi tiếng để cập nhật nhanh tin tức, cũng cho biết đang bắt đầu thử nghiệm tính năng mua hàng ngay trên trang cá nhân của một thương hiệu.

Ông Philipp Schindler, giám đốc kinh doanh của Google, chia sẻ rằng nhiều người dùng đăng video dạng streaming trên YouTube có liên quan đến "mở hộp sản phẩm" cũng muốn có thêm tính ănng tích hợp mua sắm trực tiếp trên nền tảng. Dù vậy, người đại diện Google chưa cho biết khi nào tính năng này sẽ được hiện thực hoá.

Nam Khánh