Xu hướng lập nhóm chat đặt hàng chung trong đại dịch: Vừa tiết kiệm phí ship vừa được mua hàng giá rẻ
Theo Channel News Asia, cô Tan, một người bán hàng ở Singapore ước tính rằng một nửa số hàng tạp hóa được cô mua trong một năm qua đến từ các đơn đặt hàng thông qua những nhóm chat trên WhatsApp hoặc Telegram do những người hàng xóm điều hành.
"Mặc dù giá cả dường như không rẻ hơn các siêu thị là bao nhưng chúng tôi cảm thấy rau củ quả tươi hơn. Chúng tôi cảm giác được ăn ngon hơn với cùng một số tiền phải bỏ ra", cô chia sẻ.
Quá trình này được gọi là mua hàng theo nhóm, liên quan đến những người sống cùng một khu phố. Họ cùng đặt hàng một số lượng lớn cho các sản phẩm nhằm cắt giảm chi phí giao hàng và hưởng chiết khấu từ các nhà cung cấp.
Hình thức mua bán này, được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, đang trở nên phổ biến và thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân Singapore. Một tìm kiếm đơn giản trên Instagram cho ra hơn 50 kết quả hồ sơ mua theo nhóm được gắn thẻ tên tại các khu phố ở Singapore.
Mua theo nhóm cũng đã phát triển trên nhiều mặt hàng, chẳng hạn đối với những người mua đồ chơi cho trẻ em hoặc cho các cặp vợ chồng muốn cải tạo nhà cửa.
Mục đích chính của hình thức mua bán theo nhóm này là để tiết kiệm chi phí và nhận được những ưu đãi tốt. Nó thậm chí còn đem lại sự hiệu quả cho cả những người bán hàng rong.
Mặc dù không có sự chắc chắn về việc vi phạm các quy định trong việc mua hàng theo nhóm, nhưng cho đến nay, những mặt tích cực vẫn vượt trội hơn những mặt hạn chế đối với những người dân như cô Tan.
Tiết kiệm phí ship, mua được hàng giá rẻ
Mua hàng theo nhóm tại Singapore đã xuất hiện trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng dưới hình thức khác: Trang thương mại điện tử Groupon Singapore.
Sau khi phổ biến với người tiêu dùng, thị phần của Groupon đã giảm trong những năm qua và phát triển thành một mô hình mà thành phần mua theo nhóm trở nên "rất nhỏ", theo Boh Wai Fong, Hiệu phó của trường Kinh doanh Nanyang.
Đồng thời, giáo sư Boh Wai Fong cũng đồng ý rằng việc các hình thức mua theo nhóm nổi lên trong thời gian qua phần lớn là do các lệnh giãn cách xã hội kèm theo ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Xét về mặt tài chính, sẽ tương đối lãng phí nếu một người đặt đồ ăn từ 10 cửa hàng khác nhau và trả phí giao hàng gấp 10 lần bình thường. Vì vậy, hình thức mua hàng theo nhóm đem lại sự hiệu quả hơn.
Cherie, một người điều hành các nhóm chat mua hàng theo nhóm tại Singapore đã bắt đầu nảy ra ý tưởng khi có lệnh giãn cách xã hội. Cô lập một tài khoản trên Instagram rồi tìm kiếm hàng xóm trong khu phố để chia sẻ tiền giao đồ.
Hiện nhóm chat của cô có khoảng 250 người, một con số theo cô là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trung bình cứ 7/10 đơn hàng mua theo nhóm sẽ được miễn phí tiền ship. Ngoài mua đồ ăn, nhóm chat của cô đã bắt đầu hoạt động để mua các vật phẩm khác như nước rửa tay, các sản phẩm chăm sóc da,…
Bỏ qua các khâu trung gian, người bán hàng rong cũng có thể tham gia
Các chuyên gia cho rằng mua hàng theo nhóm là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp. "Đối với khách hàng, mức giá thấp là rất tốt. Và đối với các doanh nghiệp, họ thích các đơn đặt hàng số lượng lớn vì có doanh thu định kỳ rất ổn định", Giáo sư Daniel He đến từ trường Kinh doanh – Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Mua theo nhóm xuất hiện dưới một mô hình kinh doanh mới gọi là người tiêu dùng với nhà sản xuất (C2M), liên quan đến việc "tìm kiếm cơ hội để loại bỏ các bên trung gian".
Lấy ví dụ, một trang trại bán nông sản cho người bán buôn, sau đó được gửi đến nhà phân phối và cuối cùng là cửa hàng tạp hóa. "Bạn cắt bỏ tất cả các công đoạn trung gian, qua đó tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ", vị giáo sư cho biết.
Kết hợp với nhau không chỉ giúp khách hàng nhận được nhiều ưu đãi mà thậm chí cả những doanh nghiệp nhỏ, những cửa hàng tại gia hay những người bán hàng rong cũng được hưởng lợi.
"Với hình thức mua theo nhóm, dì của tôi có thể gửi mọi thứ tới một địa điểm, thay vì phải gửi đến sáu địa điểm khác nhau trong vòng hai giờ để giao bữa trưa", Chloe Zhang, một người bán hàng tại Singapore cho biết.
"Điều này có nghĩa là cô ấy không cần phải vội vàng và có nhiều thời gian hơn để trở về nhà và chuẩn bị cho việc giao bữa tối." Ngay cả những quầy hàng rong nổi tiếng như Xing Ji Rou Cuo Mian tại Trung tâm Fengshan cũng có thể thu lợi từ việc tiếp cận các thị trường mới.
Trên thực tế, mua hàng theo nhóm không những đem lại hiệu quả về mặt kinh tế mà nó còn giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa những người hàng xóm và bạn bè cũng như giữa khách hàng và người bán.
Thậm chí, từ hình thức mua hàng theo nhóm, nhiều người đã có cơ hội giao lưu kết bạn, qua đó cải thiện tinh thần trong những ngày ở nhà để thực hiện các lệnh giãn cách xã hội mà chính phủ Singapore ban hành.
Mặt trái của mua hàng theo nhóm
Các rào cản đối với hình thức mua hàng theo nhóm là khá thấp. Nhóm mua hàng của cô Tan ở quy mô nhỏ, nên các công tác hậu cần không phải chuẩn bị quá nhiều. Công việc chủ yếu là đối chiếu đơn đặt hàng trên bảng tính và liên lạc với các nhà cung cấp để hỏi về ưu đãi.
Tuy nhiên, với những người mua hàng theo nhóm ở quy mô lớn, công việc có thể sẽ căng thẳng hơn. Cheryl, một nhà điều hành nhóm mua hàng có tên Sengkang Group Buy với hơn 7.500 lượt theo dõi trên Instagram ước tính rằng trung bình cô dành 2-3 giờ mỗi ngày cho công việc quản trị, chẳng hạn như thực hiện các biểu mẫu của Google để đối chiếu đơn đặt hàng, trả lời câu hỏi của khách hàng, kiểm tra thanh toán và quản lý mạng xã hội.
"Đôi khi công việc có thể làm tiêu hao năng lượng của tôi. Ngoài ra, cũng có vài trục trặc, chẳng hạn như khách hàng quên lấy đồ, thanh toán hoặc dọn dẹp đúng thời hạn" cô chia sẻ.
Không phải ai cũng ủng hộ việc mua hàng theo nhóm. "Những nhóm mua hàng này khiến hàng hóa được bán hết một cách nhanh chóng và những người khác không có hàng để mua", một người dân chia sẻ trên CNA Insider. Ngoài ra, cũng có những cạm bẫy như tiêu thụ quá mức.
Gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của Pinduoduo, một công ty chuyên cung cấp các chương trình giảm giá cho những người dùng mời bạn bè tham gia mua hàng của họ.
"Những người làm việc này ở cấp độ cá nhân chỉ có thể mang lại khoảng vài trăm khách hàng. Tuy nhiên, nếu đó là các nền tảng thương mại điện tử, con số có thể lên đến vài triệu", Giáo sư Daniel He cho biết.
Dù vậy, hiện những người điều hành các nhóm mua hàng ở Singapore rất vui khi các hoạt động của họ vẫn chỉ là một công việc phụ. Theo CNA Insider, việc mua hàng theo nhóm hầu như chỉ được diễn ra trong thời gian rảnh.