|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shipper - mạch máu trong thành phố giữa mùa dịch

15:36 | 28/07/2021
Chia sẻ
Một năm trước, chính lực lượng shipper đã giúp đỡ người dân Vũ Hán vượt qua khó khăn trong thời gian thành phố này thực hiện lệnh phong tỏa khi dịch bệnh bùng phát.
Nhìn từ Vũ Hán, tại sao lực lượng shipper giữ nhiệm vụ quan trọng trong đại dịch?  - Ảnh 2.

Các shipper giúp đỡ người dân Vũ Hán. (Ảnh: AFP).

Khi Liu Yilin, một giáo viên đã nghỉ hưu ở Vũ Hán lần đầu tiên nghe tin về một căn bệnh rất dễ lây lan trong thành phố, ông bắt đầu tích trữ các nguồn lương thực, thực phẩm như như gạo, dầu, mì, thịt lợn khô và cá, theo South China Morning Post.

Sự chuẩn bị này đã giúp người đàn ông 66 tuổi thoát khỏi một số khủng hoảng ban đầu khi thành phố thực hiện giãn cách vào cuối tháng Giêng năm ngoái. Tuy nhiên, thời gian trôi qua và ông bắt đầu nhận thấy một số vấn đề về nguồn cung thực phẩm khi người dân vẫn không được phép rời khỏi nhà. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi lực lượng shipper đông đảo của đất nước đến hỗ trợ

"Thật là nhẹ nhõm khi có thể mua một số mặt hàng cần thiết nhờ vào sự hỗ trợ của các nhóm nhân viên cộng đồng và tình nguyện viên trên WeChat trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Dịch vụ giao hàng tận nhà của Trung Quốc giúp cuộc sống dễ dàng hơn vào thời điểm khủng hoảng", ông Liu chia sẻ.

Shipper giúp người dân không bị "chết đói"

"Các shipper đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Ở một mức độ nào đó, chính ngành nghề này đã giúp người dân không bị 'chết đói', đặc biệt trong trường hợp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm ngặt các lệnh giãn cách xã hội", Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị ở Bắc Kinh cho biết.

Năm 2020, thành phố Vũ Hán của Trung Quốc là nơi ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Sau đó, chính quyền thành phố đã phải thực hiện lệnh phong tỏa. Sự giao tiếp trong thành phố khi đó chỉ được thực hiện thông qua internet. Người dân đặt hàng trực tuyến với những người nông dân, tiểu thương hoặc các siêu thị để mua nhu yếu phẩm hàng ngày và các shipper sẽ giúp phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng.

Mỗi sáng, ông Liu phải chuyển một tờ giấy có ghi tên, số điện thoại và số thứ tự cho các shipper, những người sẽ thu gom đồ từ một đơn vị chuyển phát nhanh ở tại cổng các khu dân cư.

Nhờ mật độ dân số cao tại khu vực thành thị, lực lượng lao động dồi dào và sự tiếp xúc phổ biến của người dân với mạng internet, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới đội ngũ shipper đông đảo.

Shipper - mạch máu trong thành phố giữa mùa dịch - Ảnh 2.

"Thời điểm đó, tôi mới nhận ra rằng mọi người đã trở nên quá phụ thuộc vào các dịch vụ giao hàng", Mo Xinsheng - một shipper chia sẻ. (Ảnh: SCMP).

Chia sẻ trên South China Morning Post, Mo Xinsheng, một shipper tại Trung Quốc cho biết: "Khi nhà hàng đóng cửa, công việc phụ bếp của tôi cũng không còn. Tôi muốn kiếm một số tiền và giúp đỡ những người đang phải ở nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát".

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến trái chiều về điều này. Có người cho rằng các công việc này là quan trọng nhưng cũng có ý kiến cho rằng các shipper có thể trở thành những nguồn lây lan trong cộng đồng.

Dù vậy, trước khi bắt đầu công việc, anh Mo Xinsheng đã trải qua những cuộc kiểm tra y tế sức khỏe trước khi được phép vận chuyển đồ tới các khu dân cư. "Tôi làm việc khoảng 10 giờ mỗi ngày để kiếm vài nghìn nhân dân tệ một tháng. Đôi khi tôi gần như kiệt sức với những gói hàng có khối lượng lớn như gạo, dầu và những thứ khác", anh nói.

"Tuy nhiên, tôi biết mình đang làm một công việc quan trọng, đặc biệt là vào thời điểm khủng hoảng. Thời điểm đó, tôi mới nhận ra rằng mọi người đã trở nên quá phụ thuộc vào các dịch vụ giao hàng".

Li Chen, một giáo sư tại Đại học Hong Kong tin rằng hệ thống phân phối đã được cải thiện nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa đổi mới khu vực tư nhân và điều phối khu vực công.

Ông Liu, cư dân tại Vũ Hán tiết lộ rằng giá cả các mặt hàng đã tăng cao trong thời gian thành phố này phải thực hiện lệnh phong tỏa. Thậm chí, giá rau trong thời gian đó còn tăng gấp ba lần so với dịp Tết Nguyên đán 2019.

"Tôi có rất ít sự lựa chọn, gần như không có gì ngoài khoai tây, bắp cải và cà rốt. Dù vậy, tôi không bận tâm về điều này. Thật tốt khi chúng ta vẫn có thực phẩm vào thời điểm khó khăn. Suy cho cùng, chúng tôi cũng chỉ là những người bình thường", ông chia sẻ.

Đội quân shipper đông đảo, chuyên nghiệp

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn của nhiều công ty công nghệ đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm để cải thiện cơ sở dữ liệu điện toán đám mây nhằm giúp phân tích và dự đoán về hành vi của người tiêu dùng.

"Cho dù đó có là giao sản phẩm bình thường, bưu kiện hàng không, thực phẩm tươi sống hay thậm chí là thuốc men, Trung Quốc vẫn có một hệ thống phát triển rất tốt.

  • Mark Greeven, Giáo sư tại Trường Kinh doanh IMD, Thụy Sĩ.

"Cho dù đó có là giao sản phẩm bình thường, bưu kiện hàng không, thực phẩm tươi sống hay thậm chí là thuốc men, Trung Quốc vẫn có một hệ thống phát triển rất tốt. Có thể nói nơi đây phát triển hơn nhiều so với những khu vực khác trên thế giới", Mark Greeven, giáo sư tại Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ cho biết.

"Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, Trung Quốc đã bắt đầu đón nhận công nghệ kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đã diễn ra trong một thời gian dài. Cuộc khủng hoảng là thời điểm thử thách khả năng ứng phó với nhu cầu tăng cao".

Theo JD.com, nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng đã tăng đột biến trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc vào năm ngoái.

Gã khổng lồ này đã bán được khoảng 220 triệu mặt hàng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2/2020, trong đó chủ yếu là ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, giá trị đơn đặt hàng thịt bò tăng gấp 3 lần và lượng giao các sản phẩm từ gà tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.

"Sự gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến đối với hàng hóa tươi sống cho thấy tầm ảnh hưởng của các nhà cung cấp đã tăng lên đối với cuộc sống của người dân trong đại dịch", Tang Yishen, người đứng đầu JD Fresh chia sẻ.

Meituan Dianping, một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc cho biết dịch vụ bán lẻ tạp hóa Meituan Instashopping đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số gần 400% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Các mặt hàng phổ biến được bán ra là khẩu trang, chất khử trùng, trái cây tươi và khoai tây.

Trong khi đó, dịch vụ giao đồ ăn Ele.me cho biết lực lượng shipper đã tăng hơn 600% so với năm 2019, theo sau là mức tăng trưởng gần 500% đối với các sản phẩm chăm sóc thú cưng. Ele.me là một đơn vị thuộc sở hữu của gã khổng lồ Alibaba.

Và câu chuyện của Việt Nam

Shipper - mạch máu trong thành phố giữa mùa dịch - Ảnh 4.

Shipper giao hàng tại Việt Nam. (Ảnh: Zing News).

Tại Việt Nam, trong những năm qua, lĩnh vực thương mại điện tử đang trên đà phát triển do thói quen của nhiều người tiêu dùng đã thay đổi. Giờ đây, thay vì phải ra ngoài mua đồ, người dân hoàn toàn có thể ngồi tại nhà và đặt đồ qua các ứng dụng hay sàn thương mại điện tử. Điều này đã góp phần thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển, đặc biệt là với nghề shipper. 

Dù vậy, trong vài ngày qua câu chuyện về shipper đã trở thành chủ đề thảo luận phổ biến trên mạng xã hội. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã ban bố các lệnh giãn cách xã hội nhằm hạn chế người dân ra đường, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngày 25/7, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội nói rõ về nhân viên vận chuyển hàng hóa (shipper) được phép hoạt động và không được phép. Theo đó, nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống thì sẽ bị buộc dừng hoạt động.

Về hoạt động của shipper, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương thông tin, thành phố đã chỉ đạo ngành Công Thương, Sở GTVT phối hợp thống nhất đối tượng nào thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử, được phép lưu thông trên địa bàn với điều kiện quản lý chặt chẽ.

Có thể thấy, các hoạt động liên quan đến nghề shipper góp phần quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong mùa dịch. Trên thực tế, điều này đã được chứng minh tại Trung Quốc năm ngoái trong câu chuyện kể trên. 

Do đó, lúc này rất cần những cơ chế đặc thù để shipper - những mạch máu trong thành phố giữa mùa dịch có thể hoạt động thông suốt. Giải pháp có thể đến từ việc ưu tiên tiêm vắc xin, phân luồng, đồ bảo hộ,... Câu trả lời có lẽ xin nhường cơ quan chức năng.

Quốc Anh