|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiền không phải là lí do để Alibaba mở chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Trung Quốc

15:53 | 04/08/2019
Chia sẻ
Không nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, các cửa hàng tiện lợi có thể giúp Alibaba có nguồn thông tin vô giá về khách hàng.

Sau khi bước chân vào lĩnh vực siêu thị và trung tâm thương mại, Alibaba Holding Groups đang đặt mục tiêu thống trị trong một mảng khác của hoạt động bán lẻ: phân khúc cửa hàng tiện lợi đang tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc.

Điểm thú vị nhất khi gia nhập sân chơi này là lượng dữ liệu chi tiết về các hoạt động mua sắm của khách hàng mà Alibaba không thể có được từ khách hàng trực tuyến.

Từ mua sắm trực tuyến tới các cửa hàng vật lí

Hồi tháng 3, Alibaba âm thầm mở một cửa hàng tiện lợi tại trung tâm mua sắm ở Thượng Hải. Mang tên gọi Yike EGO, cửa hàng tiện lợi đầu tiên của Alibaba này thực tế được mở ra nhờ sự hợp tác cùng một ông lớn bán lẻ khác là Bailian Group.

Với diện tích mặt sàn 500 mét vuông, cửa hàng Yike EGO đầu tiên lớn hơn so với một cửa hàng tiện lợi tiêu chuẩn với các mặt hàng tương tự như đồ ăn, thức uống và các mặt hàng sử dung hàng ngày nói chung.

Thế nhưng, Yike EGO còn có một số mặt hàng đi cùng thông điệp quảng cáo: "Nếu bạn đặt hàng thông qua ứng dụng, chúng sẽ được chuyển tới trong vòng 30 phút".

Bên cạnh dịch vụ giao đồ nhanh, cửa hàng của Alibaba còn bán các mặt hàng dược phẩm – điều xưa nay hiếm tại các cửa hàng tiện lợi của quốc gia tỉ dân. Đó là chưa kể đến một khu bếp lớn và diện tích cho phép khách hàng ăn tại chỗ ở phía sau của hàng. Tại đây, nhân viên với trang phục vệ sinh sẽ chế biến nhanh các đồ ăn tươi sống cho khách hàng.

"Dù tôi thường ăn các đồ ăn đóng hộp ở cửa hàng, đồ ăn tươi sống vừa được nấu luôn ngon nhất", một khách hàng của Yike EGO nói.

tienloi1

Khu vực bán bánh của cửa hàng Yike EGO tại Thượng Hải. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Vào ngày 4/7 vừa qua, cửa hàng Yike EGO thứ hai đã mở cửa tại một tổ hợp thương mại cách cửa hàng đầu tiên 20 km. Cửa hàng có diện tích nhỏ hơn nhưng có một khu vực làm bánh.

"Chúng còn nóng và ngon mắt. Hàng hóa ở đây hấp dẫn hơn so với các cửa hàng tiện lợi khác", một khách hàng nữ của Yike EGO với với Nikkei. Alibaba cũng đang lên kế hoạch mở cửa hàng thứ ba vào khoảng cuối tháng 7.

Khó có lãi sớm trong một sân chơi đã đông đúc

Theo một nguồn tin, Alibaba dự kiến sẽ mở một loạt cửa hàng cao cấp với khu vực nấu ăn trước khi mở loạt cửa hàng nhỏ hơn ở các khu vực lân cận. Các cửa hàng cao cấp sẽ là nơi cung cấp đồ nướng và đồ tươi, sống mới nấu cho các cửa hàng nhỏ.

Mặc dù hầu hết các đơn vị bán lẻ ở Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng bởi xu hướng mua sắm trực tuyến, mảng cửa hàng tiện lợi vẫn tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm trong vài năm trở lại đây.

Một trong những lý do cho xu hướng này là các cửa hàng tiện lợi thường có các sản phẩm hộp ăn trưa và đồ ăn chuẩn bị sẵn vốn rất được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng.

Ba chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật đang hoạt động tại Trung Quốc là FamilyMart, Lawson và 7-Eleven, đã có chỗ đứng nhất định nhờ món ăn sẵn.

Tuy nhiên, dù cho thị trường nhiều tiềm năng, các cửa hàng tiện lợi đầu tiên của Alibaba sẽ khó sớm có lãi.

tienloi2

Vào năm 2018, số lượng cửa hàng tiện lợi tại Trung Quốc vượt mốc 120.000. (Nguồn: Nikkei/ Hiệp hội Nhượng quyền và Chuỗi cửa hàng Trung Quốc, Việt hoá: Thái Sơn)

Mặc dù mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm, Yike EGO có số lượng nhân sự khá lớn với ít nhất 20 nhân sự mỗi cửa hàng – một con số khá cao trong bối cảnh trung bình một cửa hàng tiện lợi tại Trung Quốc chỉ có doanh số bán hàng 5.300 nhân dân tệ (770 USD) mỗi ngày.

Phân khúc cửa hàng tiện lợi tại đây cũng đang rất đông đúc với 120.000 cửa hàng, nhiều gấp đôi ở Nhật Bản, cùng hơn 100 công ty cạnh tranh.

Alibaba đã đầu tư 9 tỉ USD vào ngành bán lẻ. Họ gia nhập thị trường chủ yếu để thu thập dữ liệu khách hàng thay vì để thúc đẩy doanh thu mặc dù đã có lượng dữ liệu lớn từ các dịch vụ trực tuyến.

Vì sao Alibaba muốn có dữ liệu từ các cửa hàng tiện lợi?

Người dùng không đến các trang mua sắm trực tuyến trừ khi họ đã tìm thấy sản phẩm mà mình muốn. Vì thế, các trang mua sắm trực tuyến phải bán rất nhiều mặt hàng để phục vụ lượng lớn người dùng. Các giao dịch mua sắm trực tuyến cũng thường được quyết định dựa trên trọng lượng và giá sản phẩm thay vì là sản phẩm mà người dùng muốn mua ngay lập tức.

Tại các cửa hàng trực tuyến, khách hàng mua sản phẩm dựa trên nhu cầu ngay lập tức và ít quan tâm đến giá. Nhiều công ty cho rằng dữ liệu liên quan đến những hoạt động mua sắm này thể hiện chính xác hơn nhu cầu của khách hàng và là nguồn dữ liệu vô giá cho hoạt động bán lẻ.

tienloi3

Siêu thị, trung tâm thương mại và giờ là cửa hàng trực tuyến: Alibaba đang mở rộng hoạt động ngoại tuyến. Ảnh: Nikkei Asian Review

Khi hoạt động mua sắm trực tuyến đang chững lại ở Trung Quốc, Alibaba đang gặp nhiều thách thức trong công cuộc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào hoạt động mua sắm trực tuyến.

Bắt kịp tốc độ là không dễ, kể cả đối với những tập đoàn lớn. Chuỗi siêu thị đồ tươi sống Hema Xiansheng của Alibaba mới đây đã phải đóng một cửa hàng do lượng nhân sự không đáp ứng được sự mở rộng nhanh chóng. Tại Yike EGO, nhiều sản phẩm cũng liên tục "cháy hàng".

Rõ ràng Alibaba vẫn chưa tìm ra công thức để chinh phục thế giới mua sắm trực tiếp.

Thái Sơn