|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiền Giang nói gì khi 19 nhà máy kêu cứu Thủ tướng vì tỉnh 'một mình đi một đường', gây khó cho doanh nghiệp?

18:49 | 21/10/2021
Chia sẻ
Trước thông tin về việc 19 doanh nghiệp FDI gửi thư lên Thủ tướng trình bày việc Tiền Giang "một mình đi một đường", Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp thông tin địa phương không hay biết vấn đề này cho đến khi các báo đồng loạt đưa tin.

Sáng 21/10, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến việc 19 doanh nghiệp FDI ở Tiền Giang gửi đơn "kêu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ, qua trao đổi với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết đã giao cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu, đề xuất hướng tháo gỡ.

Trong khi đó, theo Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang, ông Nguyễn Nhật Trường, địa phương không hay biết chuyện 19 doanh nghiệp FDI gửi thư cầu cứu Thủ tướng cho đến khi các báo đồng loạt đưa tin. Trong 19 doanh nghiệp này, có ba đơn vị đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt phương án sản xuất.

Trong đó, có hai doanh nghiệp tại KCN Tân Hương chọn phương án đưa đón công nhân từ nơi cư trú đến doanh nghiệp bằng xe ca như mô hình của các công ty lớn tại Bình Dương.  Một doanh nghiệp huyện Tân Phước chọn phương án 3 xanh: Nơi cư trú xanh, lao động xanh, nhà máy xanh để công nhân đến xưởng bằng phương tiện cá nhân. 

Tiền Giang nói gì khi bị 19 doanh nghiệp FDI phản ánh 'một mình đi một đường' - Ảnh 1.

Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Nhật Trường phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Ấp Bắc).

“Trước đây, Tiền Giang được phân bổ vắc xin ít nhưng tỉnh ưu tiên tiêm cho công nhân tại các doanh nghiệp để sớm khôi phục sản xuất. Từ 15/10 đến nay, vắc xin về nhiều, nên có gần 100% công nhân được tiêm mũi 1, mũi 2 đạt gần 40%. Có thể chiều nay chúng tôi sẽ có văn bản gửi Thủ tướng để phản hồi thư của 19 doanh nghiệp”, ông Trường chia sẻ.

Theo Báo Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang hiện có 4 đơn vị cấp huyện đạt cấp độ 1 (Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông), 7 địa phương cấp độ 2 (TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo).

Về kế hoạch duy trì hoạt động sản xuất, hiện tỉnh có 4 mô hình sản xuất, kinh doanh, gồm: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; mô hình kết hợp “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”; “xanh - xanh”.

Theo bà Châu Thị Mỹ Phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 739 doanh nghiệp có số lao động dưới 50 người được hoạt động trở lại bình thường theo phương án phòng, chống dịch. Nghĩa là, người lao động, công nhân đi làm bình thường.

Tính đến ngày 20/10, Tiền Giang đã tổ chức tiêm chủng được 1.075.643/1.654.130 liều vắc xin phòng COVID-19, đạt 65% trên tổng số liều vắc xin theo các Quyết định phân bổ của Bộ Y tế. Trong đó, số người đã tiêm mũi 1 là 839.713 người, đạt 56,5% và số người đã tiêm đủ 2 mũi là 235.930, đạt 15,9%. 

Với độ phủ vắc xin như hiện nay, Tiền Giang có kế hoạch vừa tập trung phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp. Cụ thể, từ nay đến 31/10, một số doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” như đã đăng ký và có doanh nghiệp đang từng bước thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra, tỉnh đang thí điểm hai hình thức mới, như: doanh nghiệp tổ chức đưa rước tập trung công nhân từ địa phương đến nơi làm việc (huyện Cai Lậy và Gò Công Tây đang áp dụng mô hình này); mô hình “xanh - xanh”, công nhân tự di chuyển bằng xe cá nhân trong vùng (huyện Tân Phước đang áp dụng mô hình này).

Từ ngày 1/11 đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ chuyển các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” sang hoạt động theo phương án gắn với phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp này từng bước tăng dần quy mô. Đảm bảo vừa khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cũng tại buổi họp, liên quan đến việc Tiền Giang hạn chế người dân ra đường từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng tỉnh chỉ hạn chế chứ không cấm dân ra đường. Đây là biện pháp nhằm khuyến cáo người dân ít ra đường để tránh lây lan dịch bệnh.

Trước đó ngày 19/10, 19 doanh nghiệp FDI (đang sử dụng gần 70.000 lao động) ở Tiền Giang đã gửi thư lên Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tỉnh "một mình đi một đường" khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở.

Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", đời sống kinh tế vô cùng khó khăn.

Để cứu những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng nghìn tỷ đồng mua nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng, 19 doanh nghiệp này đề nghị Thủ tướng xem xét 5 vấn đề, gồm:

Thứ nhất, không bắt buộc nhà máy sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 địa điểm".

Thứ hai, cho người lao động đang sống tại vùng 1 đến vùng 3 (nguy cơ thấp - trung bình - cao) đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được dùng xe cá nhân và xe đưa đón để quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch tại đơn vị.

Thứ ba, không giới hạn thời gian được ra ngoài với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc. Hiện tỉnh Tiền Giang yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 19h đến 5h hôm sau.

Thứ tư, cho phép doanh nghiệp test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm PCR mẫu đơn cho người lao động vào ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó doanh nghiệp sẽ xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.

Thứ năm, cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ hai liều vắc xin quay lại Tiền Giang làm việc.

Phương Trang