|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

19 doanh nghiệp FDI 'cầu cứu' Thủ tướng, Tiền Giang tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn

19:48 | 26/10/2021
Chia sẻ
Sau khi 19 doanh nghiệp FDI gửi thư "cầu cứu" Thủ tướng vì Tiền Giang "một mình đi một đường", mới đây, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn nhằm lắng nghe và giải đáp ý kiến, kiến nghị.

Sáng 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) FDI trên địa bàn tỉnh nhằm lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, theo Báo Ấp Bắc.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua tổng hợp ý kiến của 29 DN FDI trên địa bàn tỉnh, các DN tập trung kiến nghị 4 nhóm nội dung gồm: Kiến nghị lao động trở lại bình thường, công nhân tự túc di chuyển đến nơi làm việc của các DN; kiến nghị về việc di chuyển của lao động ngoài tỉnh, giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài; kiến nghị về y tế (xét nghiệm, vắc xin); kiến nghị về các vấn đề an ninh, việc thực hiện hạn chế ra đường từ 19h đến 5h sáng hôm sau.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vĩnh ghi nhận ý kiến, khó khăn của DN. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN để đồng hành vượt qua khó khăn. 

Về định hướng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, theo ông, giai đoạn từ ngày 1/10 đến 31/10, tỉnh không chỉ thực hiện sản xuất phương án “3 tại chỗ”, mà còn nhiều mô hình khác.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang yêu cầu các DN đang thực hiện các mô hình sản xuất này tiếp tục thực hiện như cũ, song song với việc chuẩn bị xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1/11. 

19 doanh nghiệp FDI 'cầu cứu' Thủ tướng, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Báo Ấp Bắc).

Tất cả các DN xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh gắn với công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch với các mô hình, trước hết là “3 tại chỗ”. Nếu DN nào đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” có hiệu quả, an toàn thì xây dựng phương án hoạt động. 

Phương án thứ hai là tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày. Thứ ba là kết hợp phương án “3 tại chỗ” và tổ chức cho lao động đi về hằng ngày. 

Những phương án này do chủ DN tự quyết định, lựa chọn xây dựng phương án theo hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời gian thực hiện từ ngày 1/11 với điều kiện phương án đó phải hoàn chỉnh.

Hiện nay, tỉnh mở hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm bảo thận trọng và an toàn. Dự kiến đến ngày 31/10, tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân sẽ đạt 56%, một thời gian ngắn nữa sẽ đảm bảo phủ 100% mũi 2 cho công nhân. 

Do đó, những DN nếu đủ điều kiện thì ngay từ đầu tháng 11 đưa vào hoạt động với số lượng công nhân khoảng 56%/tổng số lao động, sau đó bổ sung dần. DN đảm bảo yêu cầu thì quyết định toàn bộ quy mô sử dụng lao động của mình.

Về việc di chuyển của người lao động trong nội tỉnh, nếu di chuyển bằng phương thức đưa đón tập trung thì DN xây dựng phương án, còn trường hợp đủ điều kiện thì đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân. 

Đối với người lao động ngoài tỉnh, UBND tỉnh cam kết với DN sẽ làm việc với các địa phương với tinh thần sớm nhất để thông báo cho DN. Quan điểm của đồng chí là nếu người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19 thì vào làm việc trên địa bàn tỉnh bình thường.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho rằng, công tác xét nghiệm COVID-19 đầu vào rất quan trọng để đảm bảo tính an toàn đối với hoạt động của DN. Quan điểm của UBND tỉnh là người lao động trước khi trở lại làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR. 

Sau đó, khi tầm soát, xét nghiệm định kỳ, các DN tự chịu trách nhiệm và thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát và kiểm tra việc xét nghiệm, tầm soát định kỳ theo đúng đối tượng, tỷ lệ theo quy định về công tác phòng, chống dịch. Đối với biện pháp xử lý khi phát hiện F0, F1, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cho ngành Y tế tham mưu đề xuất xử lý vấn đề này.

Phương Trang