|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiến độ xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD của VinFast tại Mỹ

16:03 | 14/03/2023
Chia sẻ
VinFast đã nhận được giấy phép từ Cục Chất lượng Môi trường Bắc Carolina, cho phép tiến hành giai đoạn xây dựng đầu tiên.

Con đường dẫn vào hạt Chatham, Bắc Carolina là một con đường dài, quanh co khiến nhiều người liên tưởng tới đường mòn Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Những khó khăn về mặt địa lý này không thể ngăn được VinFast - hãng xe điện Việt Nam, đang cố gắng bước vào thị trường xe điện toàn cầu, bằng cách xây dựng một nhà máy sản xuất trị giá 4 tỷ USD tại đây, tờ Washington Times nhận định.

 Khách hàng Mỹ đang xem một chiếc xe điện VinFast được trưng bày. (Ảnh: AP).

Thời điểm không thể tốt hơn để VinFast xây dựng nhà máy ở Mỹ

Theo tờ báo Mỹ, đây là một kế hoạch táo bạo, thách thức vị trí dẫn đầu thị trường của Tesla cũng như một loạt đối thủ nổi tiếng hơn ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á. Thị trường xe điện toàn cầu được định gia 185 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 980 tỷ USD vào năm 2028.

VinFast - hãng xe được thành lập từ năm 2017, đang đánh cược rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ muốn lái những chiếc xe thể thao đa dụng bóng bẩy chạy bằng điện của họ - hai mẫu VF 8 và VF 9.

Lãnh đạo Mỹ và Việt Nam ca ngợi động thái này như một dấu hiệu của mối quan hệ thương mại song phương đang phát triển. CEO VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy, khẳng định tương lai tươi sáng và thời điểm đầu tư không thể tốt hơn. Bà Thuỷ đã trích dẫn Đạo luật giảm phát thải năm 2022, cung cấp khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho xe điện được sản xuất tại Mỹ.

“Sẽ có rất nhiều xe điện xuất hiện trên đường trong những thập kỷ tới. Có nhiều chỗ cho người chơi trên thị trường”, bà Thuỷ nói với CNBC. 

Vùng đất phía nam nước Mỹ dường như là một thỏi nam châm hút các nhà máy sản xuất xe điện. Thống đốc Nam Carolina, ông Henry McMaster, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đang yêu cầu các nhà lập pháp cấp 1,3 tỷ USD ưu đãi cho một đơn vị do Volkswagen hậu thuẫn xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện. Kế hoạch là hồi sinh thương hiệu Scout của những năm 1960, tiền thân cho những chiếc SUV ngày nay. 

Trong khi đó, bang Georgia đang hỗ trợ 1,8 tỷ USD ưu đãi cho Hyundai - một công ty Hàn Quốc, cho nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên của của họ tại Mỹ, gần Savannah.

Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Mỹ-ASEAN, cho biết khoản đầu tư của VinFast là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia, hiện là đối tác thương mại toàn diện.

“VinFast đang đầu tư lớn vào tương lai xe điện tại Mỹ - một khoản đầu tư đáng hoan nghênh vào nền kinh tế bền vững cho người Mỹ, cho người dân Việt Nam và cho cả thế giới”, ông Osius nói. “Tôi không thể vui mừng hơn về biểu tượng hữu hình này của tình hữu nghị ngày càng tăng của hai quốc gia chúng ta, cũng như cam kết chung của chúng ta trong việc chống biến đổi khí hậu”.

Những bước tiến của VinFast bên ngoài Việt Nam

Người đứng đầu VinFast, ông Phạm Nhật Vượng, một trong những tỷ phú giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng trị giá hơn 4,3 tỷ USD, đã mở các showroom ở Nam California để trưng bày những chiếc SUV điện do VinFast sản xuất, như một thách thức trực tiếp với tỷ phú Elon Musk ngay tại chính quê hương Tesla.

VinFast chuyển 999 chiếc SUV từ Việt Nam đến 9 showroom tại California. Đầu tháng này, họ đã thông báo về việc giao 45 chiếc VF 8 City Edition đầu tiên cho các khách hàng tại Mỹ. Công ty đã tuyển dụng nhân sự từ  các đối thủ lớn như Tesla, BMW, Porsche, Toyota và Nissan.

Đồng thời VinFast cũng đã mua hơn 2.150 mẫu Anh để xây dựng một nhà máy ở vùng nông thôn phía Đông Nam hạt Chatham, Bắc Carolina, ngay gần Quốc lộ 1 của Mỹ.

VinFast đã nhận được sự chấp thuận ban đầu của cơ quan Bảo vệ Môi trường để bán ô tô ở Mỹ và đã ký một thỏa thuận cùng U.S. Bank với tư cách là nhà cung cấp tài chính và cho thuê bán lẻ ưu tiên của họ. VinFast cũng đã nhận được giấy phép từ Cục Chất lượng Môi trường Bắc Carolina, cho phép tiến hành giai đoạn xây dựng đầu tiên.

Trong thời điểm căng thẳng gia tăng với Trung Quốc - một đối thủ lớn trên thị trường xe điện, chính quyền Tổng thống Biden đã thúc đẩy mở rộng quan hệ với Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế đang bùng nổ và có vị trí chiến lược trên Biển Đông.

Việc Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ được thúc đẩy một phần bởi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng khu vực, do chi phí sản xuất gia tăng tại Trung Quốc và căng thẳng thương mại với Mỹ.

Nhà máy theo kế hoạch của VinFast vẫn đang chờ giấy phép từ cơ quan hữu quan tại Mỹ để giảm thiểu thiệt hại cho các sông suối gần đó. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành của VinFast Bắc Mỹ, nói với báo The News & Observer: “VinFast hiện có thể tiến hành kế hoạch xây dựng giai đoạn 1, được thiết kế đặc biệt để tránh mọi tác động đến vùng đất ngập nước”.

Thống đốc hạt Chatham, ông Dan LaMontagne lạc quan về sức khoẻ tài chính của VinFast. Nhà máy dự kiến sẽ tạo ra hơn 7.500 việc làm trong 5 năm sau khi hoàn thành.

Ông LaMontagne cho biết trong một email: “Ngoài việc sử dụng hàng nghìn lao động địa phương, các công nhân sẽ chế tạo các dòng xe xanh, thân thiện với môi trường giúp giảm lượng khí thải carbon và điều đó sẽ thu hút các ngành cung cấp và dịch vụ khác”.

Hạt Chatham và tiểu bang đã hỗ trợ cho VinFast 1,25 tỷ USD tiền thuế và các ưu đãi khác, bao gồm khoảng 250 triệu USD để cải thiện đường bộ và đường sắt trong và xung quanh địa điểm đặt nhà máy.

Đức Huy

Tác động nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump đến chứng khoán Việt Nam
Sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào những gì chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ làm khi nhậm chức vào đầu năm 2025. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, có không ít lo ngại về tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.