Tiến độ phê duyệt phương án tăng vốn của Big4 ngân hàng hiện ra sao?
Trong báo cáo gửi Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra tình hình, kinh tế xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những cập nhập mới nhất về tiến trình tăng vốn điều lệ của 4 NHTM nhà nước.
Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã thực hiện tăng vốn điều lệ trong nửa đầu năm.
Cụ thể, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ lên 34.233 tỷ đồng.Còn VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại, nâng mức vốn điều lệ lên gần 48.058 tỷ đồng.
Trong khi đó, phương án tăng vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn đang 'bỏ ngỏ'.
NHNN cho biết đang trình Thủ tướng chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế.
Vào hồi cuối tháng 9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng vốn nhà nước tại Vietcombank để duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước. Đây sẽ là bước đệm để ngân hàng được phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ.
Ngoài ra, NHNN đã lấy ý kiến Bộ Tài chính đối với dự thảo tờ trình Thủ tướng về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2020.
Trong báo cáo mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI cho biết Vietcombank đã trình phương án chia cổ tức lên Chính phủ và đang chờ phê duyệt.
Theo kế hoạch này, Vietcombank sẽ chi cổ tức 8% bằng tiền mặt cho năm 2020 và 27,6% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019 trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong khi đó, kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ có thể bị lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhóm phân tích giả định Vietcombank sẽ phát hành 6,5% cổ phần trước thực hiện trong năm 2022 với mức giá 100.000 đồng/cp.
Tại một sự kiện gần đây, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đã tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét sớm tăng vốn điều lệ cho BIDV, đặc biệt là thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính cho ngân hàng.
Tuy nhiên, trước đó Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lộ trình tăng vốn 2021 - 2023 của BIDV có thể lùi lại một năm so với dự kiến.
Theo báo cáo, kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2% đang xin ý kiến chấp thuận của Chính phủ. Trong khi đó, kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài với tỷ lệ 8,5% vẫn trong giai đoạn đàm phán.
"NHNN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại BIDV xuống 65% vào cuối năm 2023. Như vậy, trong 2 năm tới, tỷ lệ cổ phần còn lại cho cổ đông ngoại còn hơn 15%. Đây là mức hấp dẫn để thu hút các quỹ ngoại hoặc một đối tác chiến lược tiềm năng khác cho ngân hàng," VCBS nhận định.